Hệ lụy từ cho vay tín dụng đen

Đăng ngày 29 - 12 - 2018
Lượt xem: 389
100%

Thời gian gần đây, hoạt động “Vay nặng lãi” hay còn gọi là “Tín dụng đen” không còn mới với nhiều người, nó tràn về các làng quê, khiến cho bao nhiêu gia đình điêu đứng, tan cửa nát nhà thậm chí mất đi người thân. Thời gian qua, với sự vào cuộc quyết liệt của lực lượng Công an đã làm tan rã nhiều ổ nhóm cho vay nặng lãi và bắt giữ nhiều đối tượng bảo kê, đòi nợ thuê. Tuy nhiên, do nhu cầu tiêu dùng, nhiều người vẫn tìm đến tín dụng đen, để rồi phải nhận những hệ lụy khó lường từ các loại hình cho vay này.

 

Vay không cần thế chấp", "Thủ tục đơn giản, nhận tiền mặt nhanh" là những cụm từ dễ dàng bắt gặp từ những tờ rơi dán khắp nơi trên tường, tại các cột điện ở gần khu dân cư, trường học...trên đó, chỉ ghi số điện thoại in rất to, bắt mắt, dễ nhớ nhưng không điền địa chỉ cụ thể. Khi có nhu cầu, người vay chỉ cần bấm gọi các số điện thoại là được tư vấn "tận tình", không cần bất cứ một tài sản gì thế chấp chỉ sau 15 đến 30 phút người vay có thể cầm tay hàng trăm triệu đồng. Thủ tục cho vay đơn giản, nhanh gọn, giải ngân nhanh chóng với số tiền vay không giới hạn. Thế nhưng một khi đã lỡ sa chân vào “tín dụng đen”, chữ ký còn chưa ráo mực thì “thân chủ” đã mặc nhiên trở thành “khổ chủ” của chiếc bẫy vô cùng tinh vi.          

Thực ra, tên gọi “tín dụng đen” không phải là khái niệm của ngành ngân hàng. Nó đơn giản xuất phát từ những hoạt động giao dịch tín dụng ngoài xã hội, tiềm ẩn hàng loạt những hệ lụy xấu đến quyền lợi của người vay nên đã được gắn thêm chữ “đen” cho hoạt động “vay vốn” này. Có thể hiểu “tín dụng đen” là hình thức cho vay vốn với lãi suất cực cao (thường vượt 150% mức lãi suất cơ bản của Ngân hàng nhà nước), do cá nhân hoặc một tổ chức nào đó tự cam kết thực hiện với nhau. Do có nhiều thỏa thuận bằng miệng đi kèm nên “tín dụng đen” không có tính pháp lý để bảo vệ người vay và luôn khiến các cơ quan chức năng rất khó kiểm soát.

Vậy tại sao tín dụng đen vẫn có đất sống dẫu nhiều người biết rằng bản chất của hoạt động này chính là sự bóc lột tinh vi và tàn độc của kẻ cho vay với người vay tiền. Đơn giản là với những người gặp khó khăn về tài chính, họ muốn nhanh chóng có một số tiền mà không phải thực hiện bất cứ một hồ sơ, thủ tục pháp lý nào và cách dễ nhất để thỏa mãn nhu cầu đó là tìm đến kênh vay vốn này. Nhu cầu thì cấp thiết mà bên cho vay thì lúc nào cũng hiện hữu nhan nhản cùng số điện thoại, địa chỉ trên các tờ rơi dán chằng chịt ở cột điện, bảng tin tại nhiều tuyến phố, khu chợ với những lời đường mật chào mời: “lãi suất thấp, thủ tục nhanh gọn, không cần thế chấp, không cần chứng minh nhân dân”... Thậm chí chẳng cần mất công đi lại, chỉ cần một cuộc điện thoại hay ngồi ở nhà vào các trang mạng, nhập từ khóa “cho vay nóng” sẽ sổ ra hàng trăm, hàng nghìn ông chủ, bà chủ sẵn sàng chào đón. Ngay trong ngày là đã có “tiền ngay, thóc thật” trao tay. Chính vì đơn giản như vậy nên đối tượng vay theo hình thức này thường là những người chơi cờ bạc, cá độ, lô đề. Cũng có trường hợp là người muốn vay tạm bên ngoài để đáo hạn hoặc trả nợ ngân hàng trong thời gian ngắn. Một số cá nhân, doanh nghiệp nhỏ, tiểu thương vì thiếu vốn sản xuất, kinh doanh; người nghèo không có tài sản thế chấp, người chẳng may ốm đau đột xuất; hoặc do sống ở nông thôn, ít va chạm nên ngại làm các thủ tục để vay ngân hàng… khi có nhu cầu cũng tìm đến nguồn cung từ tín dụng đen này. 

Tuy nhiên, sự đơn giản ấy luôn đi kèm với một cái giá rất đắt. Nhiều người hết năm nọ qua tháng kia è lưng để trả lãi món vay mà tính ra còn lớn gấp trăm, gấp nghìn lần vốn vay ban đầu. Đã có không ít “con nợ” trót dính vào tín dụng đen bị dồn đến chân tường, muốn dứt bỏ cái cùm đã cầu xin được trả hết gốc mà không được buông tha. Hậu quả là không chỉ tán gia, bại sản, thậm chí tính mạng bản thân và người thân trong gia đình bị đánh đổi vẫn chưa hết nợ… “Vay dễ, khó dứt” là cụm từ để diễn tả những ai đã trót sa chân vào cạm bẫy chết người này. Các đối tượng cho vay lãi theo hình thức này thường có tiền án, tiền sự, cấu kết thành ổ nhóm để hoạt động. Chúng luôn núp bóng, tạo cho mình vỏ bọc hình thức kinh doanh hợp pháp như thành lập cơ sở kinh doanh cầm đồ hoặc tồn tại dưới dạng công ty, doanh nghiệp, dịch vụ hỗ trợ tài chính hay mua bán, trao đổi, cho thuê xe máy, ô tô…

Hành vi, thủ đoạn hoạt động của chúng với nạn nhân thường theo hình thức thỏa thuận ngầm. Việc vay nợ thường được chuyển hóa bằng cách viết giấy nhận tiền để xin việc làm vào các cơ quan nhà nước, thế chấp tài sản có giá trị cao (nhà đất, ô tô) với giá thấp có công chứng hoặc buộc người vay tiền phải làm thủ tục bán tài sản, sau đó thuê lại...

Một khi đã “vớ” được con mồi, ngay lập tức các vòi bạch tuộc của tín dụng đen bắt đầu vươn những xúc tua quấn chặt lấy nạn nhân. Đến hạn, các chủ nợ bắt người vay nợ phải trả tiền hoặc viết giấy vay nợ tiếp (với số tiền vay nợ lần sau cộng cả số tiền gốc và lãi của lần vay lần trước, rồi trừ luôn số tiền lãi ít nhất của một tháng liền kề tiếp theo…). Đến khi người vay chỉ có thể trả một phần hoặc không trả nợ được, đối tượng trực tiếp hoặc thuê người đòi nợ bằng một số thủ đoạn như: tụ tập trước nhà, ném chất bẩn vào nhà, đe dọa giải quyết theo kiểu “luật rừng” để gây sức ép, khủng bố tinh thần… buộc “con nợ” phải trả tiền. Đồng thời, cùng với thủ đoạn đòi nợ trên, các đối tượng còn làm đơn trình báo cơ quan Công an về việc có đối tượng lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản của mình (thường là xe máy, ô tô) và yêu cầu tiến hành xác minh, giải quyết tố giác, tin báo tội phạm...

Hoạt động tín dụng đen là mầm mống phát sinh các tội phạm và các hành vi vi phạm pháp luật khác như giết người, cướp, cưỡng đoạt tài sản, cố ý gây thương tích, bắt giữ người trái pháp luật, gây rối trật tự công cộng. Các đối tượng hoạt động theo ổ nhóm, thực hiện từ cho vay, rải họ, thu họ, đòi nợ... với phạm vi rộng, lúc thì kín đáo, có lúc công khai. Dù số vụ như vậy xảy ra nhiều, nhưng có rất ít bị hại trình báo bởi những lý do tế nhị nào đó, gây ảnh hưởng không ít đến công tác phát hiện, phòng ngừa cũng như điều tra, xử lý tội phạm của cơ quan công an.

Trên địa bàn huyện nhà, mặc dù chưa phát hiện hoạt động tín dụng đen, song qua kiểm tra của cơ quan chức năng cũng đã phát hiện một số cơ sở có hành vi cho vay tiền, cầm cố tài sản với lãi suất cao. Theo quy định, hoạt động cho vay với lãi suất cao nhằm thu lợi bất chính có thể bị xử lý hình sự, cụ thể trong Bộ Luật hình sự năm 2015 quy định về tội cho vay nặng lãi trong giao dịch dân sự, nếu người nào cho vay với lãi suất gấp 5 lần mức lãi suất cao nhất được quy định trong Bộ Luật dân sự, thu lợi bất chính từ 30 triệu đồng đến dưới 100 triệu đồng, đã bị kết án về tội này, chưa được xóa án tính mà còn vi phạm, thì bị phạt tiền từ 50 triệu đến 200 triệu đồng, hoặc phạt cải tạo không giam giữ đến 3 năm. Phạm tội thu lợi bất chính từ 100 triệu đồng trở lên thì bị phạt tiền từ 200 triệu đến 1 tỷ đồng hoặc phạt tù từ 6 tháng đến 3 năm. Ngoài ra, người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 30 triệu đến 100 triệu đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề từ 1-5 năm.

Vay tín dụng đen tiềm ẩn rất nhiều rủi ro khó lường, do vậy khi người dân có nhu cầu vay tiền nên tìm đến các tổ chức tín dụng như: ngân hàng hoặc quỹ tín dụng nhân dân, không nên tìm đến các cơ sở cho vay nặng lãi. Bởi thực tế cho thấy, hệ quả do vay tín dụng đen không chỉ là lãi suất cắt cổ làm bao gia đình tan vỡ hạnh phúc, mà còn dẫn đến nhiều hệ lụy như: Giết người, cướp tài sản, cưỡng đoạt tài sản, cố ý gây thương tích, gây rối trật tự công cộng... Vì vậy, ngoài trách nhiệm của lực lượng chức năng trong việc tuyên truyền giáo dục cho người dân tránh xa cạm bẫy của tín dụng đen, thì hơn ai hết mỗi người cần cảnh giác trước những chiêu trò từ các loại hình cho vay này./.

Tin mới nhất

Huyện Kim Động: Gần 1.500 khách hàng được vay vốn giải quyết việc làm từ Ngân hàng CSXH (08/01/2024 2:24 CH)

Sở Thông tin và truyền thông tập huấn nâng cao nhận thức, kỹ năng về chuyển đổi số tại huyện Kim...(13/10/2023 3:04 CH)

Ngân hàng CSXH huyện Kim Động: Tiếp tục triển khai cho vay Học sinh sinh viên theo Quyết định...(09/08/2023 3:53 CH)

Phát huy hiệu quả nguồn vốn cho vay hộ mới thoát nghèo tại huyện Kim Động(18/07/2023 3:01 CH)

Ngân hàng CSXH huyện: Triển khai dịch vụ Mobile Banking đến 100% thành viên Ban đại diện HĐQT...(18/04/2023 11:02 SA)

Huyện Kim Động: Triển khai thực hiện chính sách tín dụng phục vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn(21/03/2023 2:59 CH)

Ngân hàng CSXH huyện: Tiếp tục triển khai chương trình tín dụng cho vay nhà ở xã hội (09/02/2023 7:04 SA)

Ngân hàng CSXH huyện: Tiếp tục triển khai hoạt động tín dụng chính sách đối với hộ nghèo, đối...(15/12/2022 10:49 SA)

Tình hình giải quyết hồ sơ

Công khai gửi nhận văn bản

°
107 người đang online