Bảo vệ thương hiệu nhãn lồng Hưng Yên

Đăng ngày 16 - 08 - 2018
Lượt xem: 1447
100%

Nhãn lồng Hưng Yên được biết đến là sản phẩm đặc trưng tiêu biểu của tỉnh, có tiếng từ lâu đời, đã được công nhận nhãn hiệu tập thể. Những năm qua, tỉnh chỉ đạo các ngành chức năng, các địa phương và nông dân thực hiện nhiều giải pháp để giữ gìn thương hiệu nhãn lồng, góp phần nâng cao uy tín với người tiêu dùng.

 

Một vườn nhãn lồng Hưng Yên đang đến kỳ thu hoạch
Một vườn nhãn lồng Hưng Yên đang đến kỳ thu hoạch
Tỉnh, các ngành, địa phương đã thực hiện nhiều giải pháp như: Hỗ trợ nông dân sản xuất, xúc tiến thương mại, quảng bá, giới thiệu nông sản, xây dựng quản lý và phát triển nhãn hiệu tập thể nhãn lồng, chỉ dẫn địa lý các vùng trồng nhãn của tỉnh; hỗ trợ kinh phí để giúp duy trì và phát triển các nhãn hiệu, thương hiệu đã được bảo hộ, in tem nhãn, bao bì, tham gia hội chợ triển lãm...
 
Bên cạnh đó, các hộ, cơ sở sản xuất nhãn trong tỉnh không ngừng học tập kinh nghiệm, áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào các khâu lựa chọn, cải tạo giống, áp dụng quy trình sản xuất VietGap, bảo đảm an toàn thực phẩm góp phần nâng cao giá trị kinh tế và uy tín của nhãn lồng với thị trường. Tuy nhiên, thời gian qua, người trồng nhãn của tỉnh gặp không ít khó khăn. Nguyên nhân do nhãn của tỉnh chịu nhiều áp lực cạnh tranh với nhãn ở các tỉnh khác. Mặt khác, tình trạng nhãn ở các tỉnh khác “nhái” nhãn lồng Hưng Yên, làm ảnh hưởng đến quyền lợi của người tiêu dùng và uy tín của người sản xuất.
 
Tại chợ Dầu (thành phố Hưng Yên) vào những ngày này, từ sáng sớm hoạt động mua, bán nhãn đã diễn ra nhộn nhịp. Anh Dương Văn Quyết, người chuyên thu mua nhãn nhiều năm ở đây chia sẻ: Hàng ngày có rất nhiều người mang nhãn có xuất xứ khác nhau tới đây tiêu thụ.
 
Theo anh Quyết, để mua đúng nhãn lồng Hưng Yên, người tiêu dùng cần chú ý tới các đặc điểm bên ngoài để phân biệt. Nhãn lồng Hưng Yên quả tròn, vỏ quả màu vàng nâu tự nhiên, cùi dày, ráo nước. Khi bóc một lớp vỏ mỏng láng, để lộ lớp cùi nhãn dày trắng trong. Ăn có vị ngọt thơm vừa phải, cùi nhãn giòn, mùi hương thơm dịu rất đặc trưng, thời gian bảo quản được lâu hơn...
 
Ông Bùi Xuân Tám, Giám đốc Hợp tác xã nhãn lồng Nễ Châu, xã Hồng Nam (thành phố Hưng Yên) cho biết: Nhãn lồng bị “nhái” thương hiệu nhiều, như nhãn Sơn La, Bắc Giang, Hòa Bình... cạnh tranh trực tiếp với nhãn lồng Hưng Yên.
 
Ngoài ra, nhãn được trồng ở Hưng Yên nhưng không được chứng nhận nguồn gốc, xuất xứ cũng được bày bán tràn lan tại nhiều chợ, các tuyến đường giao thông trên địa bàn tỉnh, người mua không có kinh nghiệm rất khó phân biệt. Do đó, chúng tôi đã thành lập hợp tác xã nhằm giữ gìn và phát triển thương hiệu nhãn lồng Hưng Yên. Việc xây dựng hợp tác xã cũng nhằm mục tiêu kết nối với các doanh nghiệp, các siêu thị của các tỉnh, thành phố trên cả nước trong việc tiêu thụ sản phẩm, tìm đầu ra giúp thành viên hợp tác xã an tâm sản xuất.
 
Để giữ uy tín đối với khách hàng, tại vườn của ông Tám cũng như nhiều hộ trồng nhãn khác, mọi quá trình chăm sóc đều hạn chế tối đa sử dụng thuốc BVTV hóa học, phân bón vô cơ và bảo đảm thời gian cách ly thuốc BVTV đủ thời gian theo hướng dẫn của cơ quan chuyên môn, nhà sản xuất, do đó, chất lượng nhãn lồng luôn được bảo đảm theo quy trình VietGap. Khi xuất bán, nhãn được đóng hộp, bên ngoài túi ghi rõ địa chỉ, số điện thoại nên có thể truy xuất được nguồn gốc xuất xứ. “Tiếng lành đồn xa”, hầu hết nhãn khi thu hoạch được các doanh nghiệp, cơ sở kinh doanh hoa quả, hệ thống siêu thị hợp đồng tiêu thụ và khách đến tận vườn mua.

Hoạt động mua, bán nhãn tại chợ Dầu (thành phố Hưng Yên)
 
Ông Nguyễn Văn Doanh, Giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT xác nhận, trên thị trường có nhiều loại nhãn trồng tại các địa phương khác, được người bán giới thiệu là nhãn lồng Hưng Yên nhưng không có chứng nhận của cơ quan có thẩm quyền, làm ảnh hưởng đến thương hiệu cũng như uy tín của người trồng nhãn lồng Hưng Yên. Tuy nhiên, công tác quản lý của cơ quan nhà nước còn gặp nhiều khó khăn vì người bán hàng chủ yếu là bán rong, bán lẻ, rất khó quản lý. Những loại nhãn không được chứng nhận nguồn gốc xuất xứ luôn có giá bán thấp và ít được người tiêu dùng lựa chọn hơn nhãn lồng Hưng Yên được sản xuất tại các nhà vườn, cơ sở có uy tín.
 
Ðể nhãn hiệu, thương hiệu nhãn lồng Hưng Yên phát triển bền vững, các ngành, địa phương cần tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền nâng cao nhận thức cho nông dân về việc xây dựng và phát triển nhãn hiệu, thương hiệu hàng hóa nông sản; quảng bá vai trò, tác dụng của sở hữu trí tuệ với phát triển đặc sản nhãn lồng của địa phương; tăng cường công tác quản lý nhà nước về sở hữu trí tuệ, nhãn mác, thương hiệu.
 
Người sản xuất phải bảo vệ và phát triển thương hiệu của sản phẩm bằng cách nêu cao tinh thần trách nhiệm trong sản xuất để tạo ra những sản phẩm đạt tiêu chuẩn, chất lượng và báo cáo kịp thời với cơ quan chức năng khi phát hiện hàng “nhái” với sản phẩm đã được chứng nhận nhãn hiệu tập thể. Tỉnh tăng cường hỗ trợ kinh phí cho các cơ quan, tổ chức đang sở hữu nhãn hiệu tập thể của nhãn để duy trì, nâng cao chất lượng sản phẩm, xây dựng các kênh tiêu thụ; tiếp tục khảo sát, đánh giá khả năng phát triển nhãn hiệu, chỉ dẫn địa lý của đặc sản nhãn lồng để có kế hoạch trong những năm tới.
 
Đối với người tiêu dùng, ngoài cách phân biệt bằng cảm quan bên ngoài, cần tìm kiếm thông tin theo giấy chứng nhận đăng ký chỉ dẫn địa lý đã được Cục Sở hữu trí tuệ (Bộ Khoa học và Công nghệ) cấp, áp dụng cho khu vực thành phố  Hưng Yên, các huyện Khoái Châu, Kim Động, Tiên Lữ. Theo đó, nhãn tại các cơ sở sản xuất có uy tín đưa ra thị trường được đóng vào túi lưới có gắn nhãn mác, tem xuất xứ chỉ dẫn địa lý. Dựa vào những đặc điểm này, người tiêu dùng sẽ dễ dàng chọn lựa được loại nhãn lồng chuẩn của Hưng Yên.

Tin mới nhất

Tình hình giải quyết hồ sơ

Công khai gửi nhận văn bản

°
59 người đang online