Đình Thổ Cầu

Đăng ngày 04 - 06 - 2021
Lượt xem: 543
100%

Đình Thổ Cầu nơi Chủ tịch Hồ Chí Minh về thăm, nói chuyện với nhân dân, Đình nằm tại trung tâm thôn Thổ Cầu, xã Nghĩa Dân, huyện Kim Động Hưng Yên.

 

 

Đình được xây dựng để thờ Trần Hưng Đạo, một vị tướng rất tài ba thời Trần có công trong cuộc kháng chiến chống quân Nguyên Mông xâm lược. Ông được nhân dân của đất Việt tôn là Thánh, rất nhiều nơi trên đất nước Việt Nam đã xây dựng đền thờ Ông.

Theo truyền ngôn, đình Thổ Cầu được xây dựng từ thời Hậu Lê,trùng tu, tu sửa thời Nguyễn niên hiêu Thành Thái thứ 3 (1891) với kiến trúc chữ Đinh gồm 05 gian đại bái, 03 gian Hậu Cung. Đình còn lưu giữ nhiều mảng chạm khắc đẹp mang phong cách kiến trúc thời Nguyễn; Theo thời gian, đình Thổ Cầu còn ghi nhiều dấu ấn lịch sử trong cuộc đấu tranh giành chính quyền và hai cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ.

Cách mạng tháng Tám/1945, đình Thổ Cầu là nơi tập trung tự vệ và quần chúng cách mạng mang theo vũ khí, băng, cờ đỏ sao vàng phối hợp với các xã lân cận kéo về huyện lỵ giành chính quyền. Ngau sau khi giành được chính quyền huyện, tại sân đình, ủy ban khởi nghĩa xã tuyên bố xóa bỏ vĩnh viễn chế độ thực dân phong kiến ở địa phương, cử ra chính quyền cách mạng lâm thời của xã.

Trong kháng chiến chống thực dân Pháp, đình Thổ Cầu là nơi tập kết quân và xuất kích đi phá đường giao thông, ngăn cản bước tiến quân thù.

 Khi chiến tranh ngày càng lan rộng và ác liệt, sân đình Thổ Cầu là nơi chứng kiến hai chiến sỹ du kích của ta bị địch bắt và tra tấn dã man, nhưng cả hai chiến sỹ quyết không khai báo. Địch giết hai anh rồi phơi xác họ trước sân đình. Trước tội ác của kẻ thù, bà con trong vùng đã kéo tới đấu tranh, bảo vệ cách mạng.

Trong công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, Thổ Cầu là thôn có sự phát triển đi lên khá vững mạnh, đặc biệt là phong trào làm thủy lợi, trồng cây, nuôi dạy trẻ. Trong bối cảnh đó, ngày 19/6/1961, thôn Thổ Cầu vinh dự được đón Chủ tịch Hồ Chí Minh về thăm. Đình Thổ Cầu được chọn là nơi nhân dân xã Nghĩa Dân đến tập trung để đón Bác Hồ. Bà con nơi đây mới chỉ được thấy Bác trên báo, trên phim ảnh, lần này, mọi người được đứng quây quần bên vị Lãnh tụ kính yêu, được ngắm và nghe Người nói chuyện. Bác hỏi về sức khỏe, về lề lối làm ăn của bà con. Bác đặc biệt nhấn mạnh hai khâu: muốn nhiều thóc, ngô khoai thì phải làm thủy lợi; muốn dân sánh được với bạn bè năm châu phải chăm lo việc học mà trước nhất là phải chăm lo cho các cháu từ khi còn nhỏ.

Chủ tịch Hồ Chí Minh nói: “Bác nghe Tỉnh ủy báo cáo thành tích của xã có nhiều mặt khá, hợp tác xã làm phân khá, vệ sinh tương đối khá…

Các cụ, các cô, các chú, các cháu làm thế là tốt, vì đã làm cho đời sống nhân dân, xã viên bằng hoặc hơn đời sống của đồng bào trung nông lớp trên. Các cụ, các cô, các chú, các cháu làm thế cũng chưa đủ, còn phải hăng hái trong sản xuất, thực hành tiết kiệm, học tập mỗi ngày để nâng cao đời sống.

Bác nói xã Nghĩa Dân là “Dân có nghĩa” phải ra sức tăng gia, sản xuất, thực hành tiết kiệm tốt, làm gương cho các xã khác…

Muốn thế phải sản xuất tiết kiệm. Mỗi xã viên phải làm chủ, hợp tác xã là nhà, xã viên là chủ. Mình có quyền làm chủ và tự nguyện vào, Đảng và Chính phủ không bắt buộc. Phải xây dựng hợp tác xã cho tốt. Ban quản trị dân chủ do xã viên cử ra. Ban quản trị nếu không làm tròn thì xã viên có quyền cách chức, khi chưa bầu thì hăng hái, khi bầu rồi thì chây lười. Những việc trong hợp tác xã thì Ban quản trị và xã viên nhất trí mới làm được, phải công bằng, phải cùng làm, không được chọn việc, thu hoạch phải chia đều.

Không nên chia phần tốt cho vợ, hoặc con mình, còn phần xấu chia cho xã viên. Phải minh bạch tất cả các khoản chi, thu trong hợp tác xã, tiền thóc do xã viên làm, bất cứ hợp tác xã nào cũng có thứ thu vào chi ra,… chi thu việc gì xã viên phải biết,… tài chính phải công khai, …Ban quản trị không được quan liêu tư túi, tiêu xài không báo cáo để xã viên biết. Ban quản trị, xã viên đều phải chống tham ô, lãng phí…”.

Khi đến thăm nhà mẫu giáo xã Nghĩa Dân, Người căn dặn Đảng bộ và cán bộ chính quyền, các đoàn thể, các cô giáo: “Vì lợi ích mười năm phải trồng cây, vì lợi ích trăm năm thì phải trồng người”.

Thực hiện Lời căn dặn của Bác, Đảng bộ huyện Kim Động đã tổ chức cho toàn Đảng bộ và Nhân dân trong huyện học tập Lời Huấn thị của Chủ tịch Hồ Chí Minh và phát động đợt thi đua “Làm theo lời Bác”.

Căn cứ vào các hiện vật lịch sử, đình Thổ Cầu được xếp hạng di tích “Lịch sử và Kiến trúc nghệ thuật” cấp Quốc gia theo Quyết định số 502- QĐ/BT, ngày 28/4/1994.

Tin mới nhất

Đền Bà Chúa Mụa(24/09/2021 9:30 SA)

Nét độc đáo trong kiến trúc đình Mai Xá(02/04/2015 2:57 CH)

Di tích đình Mai Viên xã Song mai(30/03/2015 2:57 CH)

Tưng bừng Lễ hội truyền thống đền Vũ Tiên Công – xã Hiệp Cường(30/03/2015 2:57 CH)

Nét đặc sắc của đình Phán Thủy xã Song Mai(30/03/2015 2:57 CH)

Lễ dâng hương, cầu siêu các anh hùng, liệt sỹ và mẹ Việt Nam anh hùng huyện Kim Động(28/07/2013 2:56 CH)

Tình hình giải quyết hồ sơ

Công khai gửi nhận văn bản

°
130 người đang online