Giới thiệu chung

1. Lịch sử hình thành  

Vào những thế kỷ đầu của công nguyên, Kim Động thuộc quận Giao Chỉ, thời nhà Đinh có tên là Đằng Châu, thời nhà Trần có tên là Kim Động cho đến nay.

Ngày 24 tháng 2 năm 1979, theo Quyết định số 70/CP của Hội đồng Chính phủ, huyện Kim Động sáp nhập với huyện Ân Thi thành huyện Kim Thi, thuộc tỉnh Hải Hưng. Sau 17 năm hợp nhất, đến tháng 4 năm 1996 thực hiện Nghị định số 05/NĐ-CP ngày 27/01/1996 của Thủ tướng Chính phủ, huyện Kim Thi tách ra thành hai huyện Kim Động và Ân Thi như trước.

Kim Động nằm ở trung tâm đồng bằng Bắc Bộ, được phù sa sông Hồng bồi đắp. Trải qua hàng vạn năm, bãi bồi lấn dần ra biển, những người dân Việt cổ men theo những dòng sông, săn bắt thủy sản, phát triển nghề trồng lúa nước để sinh sống. Cùng với sự phát triển kinh tế nông nghiệp, những làng mạc định cư đầu tiên của người Kim Động được dựng lên ven sông Hồng. Trong cuộc đấu tranh với thiên nhiên và trong lao động để tồn tại, những người dân với sức lao động cần cù, chịu khó đã đoàn kết, giúp đỡ nhau khai phá những bãi đồng lầy, dựng làng, lập ấp, gieo lúa, trồng màu để sinh sống. Nhiều làng mạc trong huyện hiện nay vẫn còn chữ Xá (nghĩa là cộng đồng cư dân có chung nguồn gốc): Động Xá, Vĩnh Xá, Vũ Xá, Mai Xá,… Đến nay, nhiều nơi trong huyện vẫn còn tên cổ của làng để ghi công lao những người đầu tiên có công khai lập nên, hoặc ghi nhớ những sự tích của làng, như: làng Nở (Duyên Yên), làng Tè (Tạ Xá), làng Phận (Dưỡng Phú)…

Nhân dân Kim Động mang trong mình dòng máu Lạc Rồng, có truyền thống cần cù trong lao động, dũng cảm trong đấu tranh với thiên nhiên, không chịu khuất phục trước bất cứ kẻ thù nào, đã cùng đồng bào cả nước đánh đuổi hết thù trong giặc ngoài; ngày nay nhân dân Kim Động đang hăng say phấn đấu xây dựng một Kim Động giàu mạnh, phồn thịnh, phấn đấu trở thành huyện tiêu biểu của tỉnh về mọi mặt...

2. Vị trí địa lý

          Huyện Kim Động nằm ở phía tây nam của tỉnh Hưng Yên. Phía bắc giáp huyện Khoái Châu, phía nam giáp thành phố Hưng Yên; phía đông giáp huyện Ân Thi và Tiên Lữ ; phía tây giáp sông Hồng, bên kia là huyện Phú Xuyên (Hà Nội) và Duy Tiên (Hà Nam).

Có quốc lộ 39A và sông Hồng chạy qua, liền kề với trung tâm tỉnh lỵ Hưng Yên, nối với quốc lộ 5 khoảng 20km. Đây là một trong những điều kiện thuận lợi, dễ dàng trong việc giao lưu kinh tế, văn hóa, khoa học và liên kết kinh tế trên các lĩnh vực với các tỉnh liền kề bằng những lợi thế riêng của huyện, đặc biệt là với  thủ đô Hà Nội và các thành phố lớn: Hải Phòng, Hải Dương…

Kim Động có 17 đơn vị hành chính, gồm 16 xã và 1 thị trấn với tổng diện tích 102,684 km2.

   1. Thị trấn Lương Bằng diện tích hành chính là 7,43 km2
   2. Xã Nghĩa Dân diện tích hành chính là 4,46 km2 

   3. Xã Toàn Thắng diện tích hành chính là 7,26 km2
   4. Xã Vĩnh Xá diện tích hành chính là 5,84 km2
   5. Xã Phạm Ngũ Lão diện tích hành chính là  6,74 km2
   6. Xã Thọ Vinh diện tích hành chính là 3,50 km2
   7. Xã Đồng Thanh diện tích hành chính là 5,64 km2
   8. Xã Song Mai diện tích hành chính là 7,37 km2
   9. Xã Chính Nghĩa diện tích hành chính là 6,43 km2
  10. Xã Nhân La diện tích hành chính là 3,15 km2
  11. Xã Phú Thịnh diện tích hành chính là 4,85 km2
  12. Xã Mai Động diện tích hành chính là 6,31 km2
  13. Xã Đức Hợp diện tích hành chính là 7,48 km2
  14. Xã Hùng An diện tích hành chính là 7,38 km2
  15. Xã Ngọc Thanh diện tích hành chính là  6,52 km2
  16. Xã Vũ Xá diện tích hành chính là 5,27 km2
  17. Xã Hiệp Cường diện tích hành chính là 7,16 km2
 

3. Khí hậu, thủy văn

Huyện Kim Động mang đặc điểm của khí hậu đồng bằng sông Hồng: nhiệt đới gió mùa, có mùa đông lạnh hơn nhiều so với điều kiện trung bình vĩ tuyến; thời kỳ đầu của mùa đông tương đối khô, nửa cuối thì ẩm ướt, mùa hạ nóng ẩm, nhiều mưa, khí hậu biến động mạnh.

Nhiệt độ trung bình hàng năm là 23,20c. Mùa hè nhiệt độ trung bình 30 – 320c; cao nhất vào tháng 6 và 7 nhiệt độ có khi lên tới 380c. Mùa đông nhiệt độ trung bình 17-220c; thấp nhất vào tháng 1 và 2 nhiệt độ 8-100c. Tổng tích ôn trung bình hàng năm là 85030c.

Độ ẩm không khí trung bình hàng năm xấp xỉ 85%, cao nhất 90,6%, thấp nhất 60%. Tháng 3 là tháng ẩm nhất và tháng 11 là tháng khô nhất.

Tổng lượng mưa trung bình hàng năm 1700mm. Lượng mưa trung bình tháng trong năm là 175mm. Mưa tập trung chủ yếu từ tháng 5 đến tháng 9. Mưa thường xảy ra trùng với nước lũ sông Hồng lên cao, gây úng lụt ảnh hưởng xấu đến sản xuất và sinh hoạt của dân cư. Nguồn nước sông Hồng là nguồn nước chủ yếu cung cấp cho việc tưới và bồi đắp một phần phù sa cho đồng ruộng của huyện.

Với khí hậu – thủy văn như trên là điều kiện thuận lợi cho sinh trưởng của nhiều loại cây trồng tạo điều kiện thuận lợi cho phát triển nền nông nghiệp đa dạng, phong phú. Song phải có những biện pháp phòng chống hạn úng, đồng thời phải xác định cơ cấu mùa vụ cây trồng hợp lý nhằm nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả kinh tế cao.

4. Dân số, lao động

Dân số huyện Kim Động có 121.793 người. Mật độ dân số là 1.061 người/km2. Dân số phân bổ không đều, các xã vùng ngoài đê mật độ thấp nhất và tăng dần theo hướng Tây đến Tây nam và Nam, cao nhất là thị trấn.

Tỷ suất sinh hàng năm đang giảm dần, theo số liệu thống kê năm 2009 là 1,56%. Tỷ lệ tăng dân số tự nhiên hàng năm dưới 1% (Năm 2009 là 1,05%).
          Dân số trong độ tuổi lao động chiếm 62% dân số. Tỷ lệ lao động có việc làm thường xuyên là 93%. Cơ cấu lao động trong nông nghiệp - CNXD - TMDV là: 72,5% - 10,6% - 16,9%. Lao động nông nghiệp có tỷ trọng cao nhưng đang giảm dần. Lực lượng lao động là công nhân kỹ thuật và có trình độ từ trung cấp trở lên còn ít, chỉ chiếm 7%.
          Nguồn nhân lực là thế mạnh nổi bật của huyện, tạo ra thị trường nội huyện to lớn về mọi mặt. Song đồng thời cũng là áp lực lớn trong việc giải quyết việc làm.

(Số liệu năm 2009, phòng Thống kê huyện cung cấp)