Hưng Yên: Nâng cấp kết cấu hạ tầng đường giao thông nông thôn

Hệ thống đường giao thông nông thôn gồm các tuyến đường huyện, đường xã, đường thôn, xóm, đường giao thông nội đồng. Theo đánh giá của Sở Giao thông Vận tải, với sự chung sức của nhân dân và sự hỗ trợ của Nhà nước, đến nay toàn tỉnh có 70 tuyến đường huyện với tổng chiều dài hơn 433km, trong đó đường nhựa có hơn 277km, chiếm 64%, đường bê tông xi măng có hơn 102km, chiếm 23,61%, còn lại là đường cấp phối; các tuyến đường huyện đạt cấp V và cấp VI. Tuyến đường xã hiện có gần 870km, trong đó có trên 87% số tuyến đường được trải bê tông xi măng và trải nhựa, chiều rộng các tuyến đường xã đạt trung bình 2m – 3m, đạt tiêu chuẩn đường cấp B, cấp C. Đường thôn, xóm có tổng chiều dài hơn 1,9 nghìn km, trong đó tỷ lệ mặt đường được trải bê tông xi măng chiếm 85%, chiều rộng mặt đường đạt trung bình 2 – 3m, đạt tiêu chuẩn đường cấp B và C. Đường giao thông nội đồng hiện có khoảng 2,3 nghìn km, đến nay tỷ lệ cứng hóa đạt 25%, chiều rộng mặt đường trung bình 2 – 3m, đạt tiêu chuẩn đường cấp B, C.

Thời gian qua, cùng với các giải pháp hỗ trợ của tỉnh, các ngành, địa phương, sự chung sức, đồng lòng của nhân dân các địa phương trong việc đóng góp xây dựng đường giao thông nông thôn (GTNT), qua đó phong trào làm đường GTNT trên địa bàn tỉnh được thực hiện mạnh mẽ, hiệu quả cao, nhiều địa phương tuy còn khó khăn về kinh phí đã từng bước hoàn thiện và đạt tiêu chí về giao thông trong xây dựng nông thôn mới.
 
Ông Nguyễn Văn Học, Chủ tịch UBND huyện Kim Động cho biết: Thực hiện Nghị quyết số 26-NQ/TW ngày 5.8.2008 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa X về nông nghiệp, nông dân, nông thôn, huyện Kim Động đã xây dựng kế hoạch và đặt mục tiêu phấn đấu đến năm 2020 cứng hóa 100% đường xã, thôn và 70% đường ra đồng. Sau 10 năm (từ năm 2008 đến nay), toàn huyện đã huy động được hơn 441,6 tỷ đồng để đầu tư xây dựng, nâng cấp, cải tạo 41,1 km đường trục xã, liên xã, 64,3 km đường thôn, 77,9km đường ngõ xóm, 103,9 km đường trục chính nội đồng. Hệ thống đường giao thông nông thôn được đầu tư đã góp phần tạo thuận lợi cho hoạt động sản xuất và dân sinh, từng bước thực hiện các mục tiêu trong xây dựng nông thôn mới trên địa bàn huyện. 
 
Theo báo cáo của Văn phòng điều phối chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới tỉnh, trong 6 tháng đầu năm nay, ngoài kinh phí hỗ trợ của tỉnh, các địa phương đã vận động nhân dân đóng góp trên 7,6 tỷ đồng, hiến 1.465 m² đất, hơn 16 nghìn ngày công để làm mới và sửa chữa 70km đường giao thông nông thôn, nạo vét và nâng cấp 24km kênh mương nội đồng, sửa chữa làm mới 102 cầu, cống, góp phần tích cực vào tiến độ hoàn thành, nâng cao chất lượng các tiêu chí xây dựng nông thôn mới.
 
Ông Nguyễn Ngọc Sơn, Giám đốc Sở Giao thông Vận tải cho biết: Quy hoạch phát triển giao thông vận tải của tỉnh giai đoạn 2011 - 2020 và định hướng đến năm 2030, kết cấu hạ tầng đường GTNT được ưu tiên đầu tư nâng cấp các tuyến đường huyện trọng yếu; nâng cấp một số tuyến đường xã, liên xã lên thành đường huyện; đẩy mạnh phong trào cứng hóa, cải tạo đường nội đồng; thực hiện đạt các tiêu chí giao thông trong chương trình xây dựng nông thôn mới; phù hợp với Chiến lược phát triển giao thông nông thôn Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030. Trong đó, đến năm 2020 đầu tư nâng cấp 100% đường huyện được cứng hóa bằng nhựa hoặc bê tông xi măng; đầu tư nâng cấp một số tuyến đường huyện có quy mô tối thiểu đạt cấp IV, cấp V; đến năm 2030, toàn tỉnh tiếp tục đầu tư nâng cấp các tuyến đường lên quy mô đường cấp IV đồng bằng, có khoảng 50% tuyến đường huyện đạt quy mô đường cấp IV, nâng cấp 25 tuyến đường xã, liên xã lên đường huyện.
 
Quy hoạch hệ thống đường xã có quy mô tối thiểu đường cấp A theo tiêu chuẩn đường giao thông nông thôn, có chiều rộng mặt đường tối thiểu 3,5m, nền đường 6,5m, mặt đường nhựa hoặc bê tông xi măng; giai đoạn 2017 – 2020, toàn tỉnh phấn đấu cải tạo nâng cấp mặt đường để 100% các tuyến đường được trải nhựa hoặc bê tông xi măng, cứng hóa 55km, cải tạo nâng cấp 208km; đến năm 2030, tiếp tục nâng cấp, mở rộng các tuyến đường xã bảo đảm theo cấp quy hoạch. Hệ thống đường thôn, liên thôn, đường xóm quy hoạch có quy mô tối thiểu đường cấp B theo tiêu chuẩn đường GTNT, chiều rộng mặt đường tối thiểu 3m, mặt đường bằng nhựa hoặc bê tông xi măng.
 
Giai đoạn 2017 – 2020, đầu tư cải tạo nâng cấp mặt đường để 100% mặt đường được trải nhựa hoặc bê tông xi măng; giai đoạn đến năm 2030, đầu tư nâng cấp, mở rộng các tuyến đường bảo đảm theo quy hoạch. Đến năm 2020, toàn tỉnh phấn đấu đường trục chính nội đồng có quy mô tối thiểu đường cấp A theo tiêu chuẩn đường giao thông nông thôn, chiều rộng mặt đường tối thiểu đạt 3,5m, 90% các tuyến có mặt đường được cứng hóa cấp phối đá, gạch, bê tông xi măng; đến năm 2030 tiếp tục nâng cấp, mở rộng, đặc biệt là các đoạn tuyến khu sản xuất tập trung được cứng hóa đạt tỷ lệ 100%.

baohungyen.vn