01/01/2023 | lượt xem: 6 1. ĐỀN ĐÀO XÁ XÃ VĨNH XÁ Thôn Đào Xá cùng với hai thôn Ngô Xá và Vĩnh Hậu hợp thành xã Vĩnh Xá. Đào Xá là một thôn lớn có cả đình, chùa, miếu, đền do cư dân theo đạo Phật và một nhà thờ của đạo Thiên chúa giáo. Đền Đào Xá có tên xưa là đền Sướng Thiện, là Tam Giáo Động, được xây dựng ở đầu thôn trên một khu đất cao, thoáng mát từ thập niên đầu thế kỷ XIX. Theo các cụ cao tuổi trong làng kể lại, khoảng năm 1896, cụ Từ trông coi đèn nhang đã sang đền Bạch Mã thuộc huyện Phú Xuyên tỉnh Hà Đông cũ xin tên hèm để thờ, đặt tên cho đền là Sướng Thiện. Từ đó nhân dân trong vùng tìm đến đây lễ bái cầu phúc, hướng thiện và xin thuốc nam về chữa bệnh. Đền được xây dựng theo kiến trúc điêu khắc thời Nguyễn có vòm cuốn bê tông và hình khối nội công ngoại quốc. Đến năm 1929 , nhân dân lại đóng góp công sức và tiền của tu tạo lại đền cho bề thế, khang trang hơn. Khi hội Tam Thánh ra đời, đền thờ Phật – Tiên – Thánh, 3 vị giáo tổ và thờ vọng những vị anh hùng dân tộc đã có công cầm quân chống ngoại xâm như Trần Hưng Đạo, Phạm Ngũ Lão. Tên đền Sướng Thiện hay Tam Giác Động nói lên ý tưởng và tâm nguyện về điều thiện, hành động theo điều thiện. Sau này, tên đền được gọi theo tên thôn: Đền Đào Xá. Chữ Đào chính là tên một dòng họ có người đến khai phá vùng đất này sớm nhất và cũng là họ phát triển đông đúc nhất thời ấy. Thời kỳ 1939 – 1945, Đảng ta vận động đấu tranh cách mạng trong sự khủng bố, lùng sục gắt gao của chính quyền thực dân, đền Đào Xá là một trong những cơ sở cất giấu tài liệu của Đảng bộ Hưng Yên. Trong cuộc Tổng khởi nghĩa tháng Tám năm 1945, nhiều cuộc mít tinh hội họp lớn của xã đã được tổ chức tại đền. Khi cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp diễn ra ác liệt, vùng đất này từng có thời gian bị địch chiếm đóng, đền Đào Xá lại là nơi cán bộ ta đặt chân an toàn để phát triển phong trào, khi thì đóng vai người đến đền cúng lễ, khi lại là người lên đền xin lá thuốc về chữa bệnh cho người nhà. Trong đền có hầm bí mật nuôi giấu cán bộ. Hòn Non bộ đắp nổi giữa hồ nước trong khuôn viên với mục đích cất giấu tài liệu nên được tạo dáng nhiều hang lạch ăn sâu vào giữa khối đá giả sơn trông lạ mắt mà kín đáo. Bước vào cuộc kháng chiến chống Mỹ, Bộ Tư lệnh Quân khu III đã về đây mở Hội nghị Quân chính bàn việc chống chiến tranh phá hoại của địch và các chủ trương biện pháp chi viện cho chiến trường miền Nam. Tiếp đó, Bộ Y tế lại chọn đền Đào Xá làm địa điểm sơ tán cho xí nghiệp Dược phẩm. Đền Đào Xá còn lưu giữ được nhiều hiện vật quý, ngoài Hòn Non bộ xây đắp công phu, phải kể đến 24 pho tượng mỗi pho đều có vẻ hấp dẫn riêng. Nhiều đồ tế tự có giá trị điêu khắc như pho kiệu Ngọc Bộ, ngai, cửa võng, câu đối cùng với nhiều cổ vật quý hiếm nh lọ độc bình, lọ hoa, choé, bát hương… Đền Đào Xá, xã Vĩnh Xá được Nhà nước xếp hạng di tích “Lịch sử và nghệ thuật” cấp Quốc gia theo Quyết định số 570, tháng 9/1998