Báo cáo kết công tác TNMT năm 2020 và kế hoạch năm 2021

I. Đánh giá tình hình, kết quả thực hiện nhiệm vụ, kế hoạch

  1. Thuận lợi:

Trong quá trình triển khai thực hiện nhiệm vụ, Phòng luôn nhận được sự quan tâm chỉ đạo của Huyện ủy, UBND huyện sự phối hợp giữa các ban, ngành đoàn thể trong huyện, UBND các xã, thị trấn với phòng luôn được duy trì thường xuyên.

Bên cạnh đó trong khi thực hiện nhiệm vụ chuyên môn cán bộ, chuyên viên trong phòng đều được trang bị đầy đủ các văn bản hướng dẫn của Chính phủ, của UBND tỉnh và sự hướng dẫn về chuyên môn của Sở Tài nguyên và Môi trường đã kịp thời tháo gỡ những khó khăn vướng mắc trong quá trình thực hiện đăng ký và cấp Giấy chứng nhận, không để ách tắc gây phiền hà cho người dân, thực hiện lồng ghép việc xét duyệt, thẩm định, kiểm tra hồ sơ cấp Giấy chứng nhận giữa UBND cấp xã, Chi nhánh Văn phòng đăng ký đất đai, Phòng Tài nguyên và Môi trường để rút ngắn thời gian trong công tác cấp Giấy chứng nhận, tránh những sai sót trong công tác xét duyệt và thẩm định hồ sơ. Từ đó các vi phạm phạm pháp luật về tài nguyên và môi trường đã được hạn chế. Các thủ tục hành chính về đất đai đã được sửa đổi bổ sung, cải cách theo hướng đơn giản hóa, rút ngắn các quy trình nhằm dễ hiểu, dễ thực hiện; tạo điều kiện thuận lợi cho người dân và tổ chức khi thực hiện thủ tục hành chính về đất đai.

Công tác bảo vệ môi trường đã được đã được quan tâm nhiều hơn, kinh phí sự nghiệp môi trường hàng năm tăng lên đáng kể, sự phối hợp, vào cuộc tích cực của các ngành, đoàn thể trong huyện; cấp ủy, chính quyền và nhân dân địa phương.

2.2. Khó khăn:

Chính sách pháp luật đất đai chưa đầy đủ, chưa đồng bộ, có sự chồng chéo giữa các Luật như: Đất đai, Dân sự, Công chứng, Nhà ở, Luật Giao thông. Giá đất

đất do UBND cấp tỉnh quy định thường thấp hơn so với giá chuyển nhượng quyền sử dụng đất trên thị trường, vì vậy khi xác định để áp giá đền bù theo quy định của Nhà nước gặp nhiều trở ngại

          Giá đất đền bù, hỗ trợ để xây dựng các dự án chưa sát với giá thị trường, quá trình quản lý đất đai của địa phương cơ sở chưa chặt chẽ nên công tác xác minh về nguồn gốc, quá trình sử dụng đất phục vụ công tác bồi thường, giải tỏa cũng gặp nhiều khó khăn làm phát sinh nhiều đơn thư khiếu nại, hoặc chậm bàn giao đất cho công trình.

Nhận thức và ý thức chấp hành quy định về đăng ký đất đai, cấp Giấy chứng nhận của một số đối tượng sử dụng đất còn hạn chế; chậm trễ không thực hiện kê khai đăng ký, cấp Giấy chứng nhận theo thông báo của địa phương.

II. Kết quả thực hiện nhiệm vụ

          1. Lĩnh vực quản lý đất đai

          1.1. Kết quả cấp Giấy chứng nhận lần đầu

          * Đối với đất nông nghiệp:

          - Tổng số thửa cần cấp GCNQSDĐ là 89.850 thửa, diện tích 7.126,8 ha.

          - Kết quả đã cấp được 85.586 thửa (đạt tỷ lệ 95,25%), diện tích 6.714,90 ha (đạt tỉ lệ 94,22%).

          * Đối với đất ở:

          - Tổng số thửa cần cấp GCNQSDĐ là 41.848 thửa, diện tích 848,16 ha.

          - Kết quả đã cấp được 31.497 thửa (đạt tỷ lệ 75,27 %), diện tích 647,76 ha (đạt tỉ lệ 76,37%).

          - Từ ngày 01/01/2020 đến 10/11/2020: cấp được 614 thửa, diện tích 13,82 ha.

          1.2. Kết quả cấp đổi Giấy chứng nhận đất nông nghiệp sau DTĐR

          - Tổng số thửa cần cấp đổi sau DTĐR là 54.522 thửa, diện tích 5.700,38 ha.

          -  Kết quả đã cấp 34.740 thửa (đạt 63,72 %), diện tích 3.355,65 ha (đạt 58,87%).

          -Từ ngày 01/01/2020 đến 10/11/2020: cấp được 1066 thửa, diện tích 80,18ha

          1.3. Cấp mới GCNQSDĐ đất ở khi thực hiện các quyền chuyển nhượng, tặng cho, thừa kế: 921 hồ sơ.

          - Đăng ký biến động đất đai khi thực hiện các quyền của người sử dụng đất chuyển nhượng, tặng cho, thừa kế 764 hồ sơ;

-  Xử lý đất dôi dư được 17 trường hợp với diện tích 1.836 m2,  thu nộp ngân sách nhà nước được 1.500.857.000 triệu đồng.

- Đăng ký giao dịch đảm bảo được 1506 hồ sơ

          1.4. Công tác giải phóng mặt bằng

Phòng đang tham mưu UBND huyện thực hiện GPMB đối với các dự án, cụ thể:

- Dự án Đầu tư, cải tạo, nâng cấp đường giao thông đoạn nối từ ĐH.66 (xã Hồ Tùng Mậu, huyện Ân Thi) đến điểm giao ĐH.60 (xã Chính Nghĩa, huyện Kim Động).

- Dự án xây dựng khu cây xanh công cộng huyện Kim Động.

          - Dự án tái định cư phục vụ dự án cải tạo và nâng cấp ĐH 72 đoạn từ đường 378 đến QL 39A 1,93 ha.

          - Dự án đầu tư xây dựng hạ tầng Kỹ thuật Khu công nghiệp Kim Động DĐK

          - Dự án Xây dựng Khu Tái định cư lăng mộ đền thờ Tướng quân Phạm Bạch Hổ.

          - Dự án Cải tạo, nâng cấp đường giao thông trên địa bàn huyện Kim Động - Đoạn tuyến từ ĐH.73 (xã Đồng Thanh, Kim Động) đến điểm nối với ĐH.59B (xã Nhuế Dương, huyện Khoái Châu).

          - Dự án đường dây và trạm biến áp 110KV Bãi Sậy xã Toàn Thắng, Nghĩa Dân.

          - Dự án cải tạo, nâng cấp ĐH.72, huyện Kim Động (đoạn từ QL.39 đến Chùa Tiên Tường).

          - Dự án Xây dựng Sân vận động huyện Kim Động.

          - Dự án đầu tư xây dựng trụ sở làm việc viện kiểm soát nhân dân huyện Kim Động.

          - Dự án đầu tư xây dựng công trình CBA2-18 của ban chỉ huy quân sự huyện.

          - Dự án bãi đỗ xe, cửa hàng xăng dầu và kinh doanh dịch vụ vận tải, phân phối và lưu trữ hàng hóa của Công ty TNHH Thanh phong Hưng Thịnh Phát tại xã Toàn Thắng.

          - Dự án xây dựng nghĩa trang thôn Trà Lâm.

- Dự án mở rộng trường bắn của Ban chỉ huy quân sự tỉnh xã Hiệp Cường.

- Dự án đấu giá Quyền sử dụng đất cho nhân dân làm nhà ở tạo vốn xây dựng nông thôn mới các xã Toàn Thắng, Thọ Vinh, Đức Hợp, Nhân La, Vũ Xá.

Các dự án đang triển khai đều đảm bảo công tác thu hồi đất, giải phóng mặt bằng theo đúng trình tự của pháp luật.

1.5. Công tác lập kế hoạch sử dụng đất

- Phòng đã kết hợp với đơn vị tư vấn, UBND các xã, thị trấn rà soát, lập xong Kế hoạch sử dụng đất được UBND tỉnh phê duyệt tại Quyết định số 885/QĐ-UBND ngày 31/3/2020.

- Tham mưu UBND huyện Thông báo số 70/TB-UBND ngày 06/4/2020 về việc công khai kế hoạch sử dụng đất năm 2020 của huyện Kim Động trên trang thông tin điện tử của UBND huyện và trụ sở UBND huyện theo quy định.

- Tham mưu lãnh đạo UBND huyện Tờ trình số 69/TTr-UBND ngày 24/4/2020  báo cáo UBND tỉnh trình HĐND tỉnh chấp thuận phê duyệt danh mục dự án bổ sung cần thu hồi đất, trong đó đã rà soát, đăng ký nhu cầu sử dụng đất làm cơ sở làm việc cho công an cấp xã và các dự án sử dụng đất trồng lúa dưới 10ha năm 2020.

- Tham mưu lãnh đạo UBND huyện Tờ trình số 251/TTr-UBND ngày 12/10/2020 báo cáo UBND tỉnh trình HĐND tỉnh đăng ký bổ sung danh mục các dự án cần thu hồi đất và phê duyệt các dự án có sử dụng đất trồng lúa dưới 10ha năm 2020.

- Hoàn thành điều chỉnh quy hoạch sử dụng đất đến năm 2020 huyện Kim Động. Việc lập quy hoạch giai đoạn tiếp theo đang chờ phân bổ chỉ tiêu quy hoạch sử dụng đất cấp tỉnh 2021 -2030.

1.6. Công tác thống kê, kiểm kê đất đai trên địa bàn huyện

- Đơn vị tư vấn đã hoàn thiện, Sở Tài nguyên và Môi trường cùng phòng và UBND các xã thị trấn đã kiểm tra đối soát. Đến nay đã hoàn thiện.

- Tính đến 31/12/2019 tổng diện tích hành chính của huyện là 10.331,98 ha. Trong đó, đất nông nghiệp là 7084,33 ha; đất phi nông nghiệp là 3216,37 ha; đất chưa sử dụng là 31,28 ha.

 So với kỳ kiểm kê đất đai năm 2015, diện tích đất nông nghiệp giảm 42,11 ha, diện tích đất phi nông nghiệp tăng 51,25 ha, đất chưa sử dụng giảm 9,14 ha.

Công tác thống kê, kiểm kê đất đai là một trong những nhiệm vụ quan trọng trong công tác quản lý nhà nước về đất đai. Công tác thống kê đất đai được thực hiện hàng năm, kiểm kê đất đai được thực hiện 5 năm một lần đảm bảo đúng trình tự, thủ tục theo quy định của pháp luật đất đai và hoàn thành theo đúng thời gian quy định.

1.7. Công tác thẩm định hồ sơ xin chuyển mục đích sử dụng đất và thu hồi giấy chứng nhận quyền sử dụng đất

Đã tiếp nhận được 10 hồ sơ xin chuyển mục đích sử dụng đất. Đã thẩm định xong 03 hồ sơ; 03 hồ sơ không đủ điều kiện phòng đã trả lời bằng văn bản; các hồ sơ còn lại cán bộ phòng đang thẩm định.

Tham mưu lãnh đạo UBND huyện thu hồi 16 giấy chứng nhận quyền sử dụng đất.

1.8. Kết quả thực hiện Kế hoạch số 93A/KH – UBND ngày 31/3/2017 của UBND tỉnh Hưng Yên

Theo báo cáo các xã có 37 trường hợp vi phạm xây dựng công trình nhà xưởng, lều lán, san lấp đất, đổ cát trên đất nông nghiệp. Đã giải tỏa hoàn toàn được 16 trường,  06 trường hợp vẫn còn phải yêu cầu xử lý tháo dỡ tiếp.

          1.9. Về Công tác đấu giá dãn dân 3ha các xã, thị trấn

- UBND tỉnh chấp thuận chủ trương thu hồi đất với diện tích 8,109 ha của 05 xã (Thọ Vinh, Đức Hợp, TT Lương Bằng, Vũ Xá, Nhân La).

- Thực hiện đấu giá 04 xã Phạm Ngũ Lão, Song Mai, Nhân La, Thọ Vinh được 204 suất, diện tích trúng đấu giá là 3,94 ha, thu trên 250 tỷ đồng ( tính đến ngày 20/11).

- Xã Mai Động đã được Hội đồng thẩm định giá cụ thể tỉnh phê duyệt giá khởi điểm để đấu giá QSDĐ các suất còn lại.

- Phòng Tài nguyên và Môi trường tham mưu UBND huyện trình UBND tỉnh xin thông báo chấp thuận vị trí đất để giao cho nhân dân làm nhà ở theo hình thức đấu giá để đầu tư xây dựng nông thôn mới kiểu mẫu giai đoạn 2020-2025 tại xã Chính Nghĩa, với diện tích 4,19ha; Hoàn thiện hồ sơ và tiếp tục trình UBND tỉnh để phê duyệt giá cụ thể để đấu giá QSDĐ cho nhân dân làm nhà ở tại Khu dân cư mới xã Hiệp Cường; Hoàn thiện hồ sơ điều chỉnh chỉ tiêu sử dụng đất ở tại xã Toàn Thắng phục vụ xin giao đất cho UBND xã Toàn Thắng để đấu giá QSDĐ tạo vốn xây dựng nông thôn mới; tiến hành bàn giao 05 suất đất Đấu giá tái định cư tại xã Nghĩa Dân.

          2. Lĩnh vực môi trường

2.1. Kết quả thu gom, vận chuyển, xử lý bãi chôn lấp rác thải

- Xe của huyện kết hợp xe của Công ty TNHH Môi trường Huy Anh vận chuyển rác thải sinh hoạt hàng ngày và rác thải tập kết không đúng nơi quy định về bãi tập kết trung chuyển rác tại thôn Bằng Ngang khối lượng ước đạt 14.680 tấn.

- Phòng Tài nguyên và Môi trường đã phối hợp với Công ty TNHH Môi trường Huy Anh phun chế phẩm, san gạt tại 24 bãi chôn lấp rác thải trên địa bàn các xã, và 01 bãi tập kết trung chuyển tại thôn Bằng Ngang thị trấn Lương Bằng để giảm thiểu ô nhiễm môi trường và nâng cao khả năng tiếp nhận rác.

2.2. Công tác phối hợp

 - Phối hợp Bảo hiểm xã hội huyện cấp mới 21 thẻ BHYT và gia hạn thời gian sử dụng thẻ BHYT năm 2020 cho 158 người thu gom rác theo Quyết định số 12/2018/QĐ-UBND ngày 15/3/2018 quy định mức hỗ trợ từ ngân sách nhà nước đóng BHYT cho một số đối tượng trên địa bàn tỉnh Hưng Yên giai đoạn 2018-2020.

- Phối hợp với Sở Tài nguyên và Môi trường thẩm định báo cáo đánh giá tác động môi trường của Công ty Cổ phần Tập đoàn quốc tế Trường Anh Phát, Công ty TNHH Hanesbrands Việt Nam, Công ty TNHH Thanh Phong Hưng Thịnh Phát.

- Phối hợp với UBND xã Toàn Thắng bắt quả tang 01 vụ đổ trộm rác thải công nghiệp là vụn vải may với khối lượng 1.230kg trên địa bàn thôn An Xá. Phòng Tài nguyên và Môi trường đã tham mưu UBND huyện quyết định xử phạt vi phạm hành chính đối với lái xe và người thuê đổ trộm rác với mức phạt mỗi người 7.500.000 đồng.

-  Phối hợp với Hội phụ nữ huyện mở 02 lớp tập huấn, tuyên truyền phân loại xử lý rác thải sinh hoạt tại hộ gia đình gắn với tuyên truyền phòng, chống rác thải nhựa cho đội ngũ báo cáo viên, tuyên truyền viên hội phụ nữ với tổng số 206 lượt người tham gia.

          - Phối hợp Hội phụ nữ huyện tuyên truyền công tác bảo vệ môi trường cho “chi hội 5 không 3 sạch gắn với 10 hộ liền kề thực hiện công tác vệ sinh môi trường cho cán bộ hội viên chi hội thôn Bùi Xá xã Đồng Thanh với 90 người tham gia.

            Tổng số buổi tập huấn tuyên truyền là 03.   

2.3. Công tác thu phí bảo vệ môi trường đối với nước thải công nghiệp

Phòng đã rà soát ra Thông báo thu phí bảo vệ môi trường với nước thải công nghiệp năm 2020 gửi 37 Công ty, doanh nghiệp, đến nay có 22 Công ty, doanh nghiệp nộp phí bảo vệ môi trường với nước thải công nghiệp tại Kho bạc nhà nước huyện với số tiền 61,5 triệu đồng.

2.4. Công tác trang bị xe thu gom rác cho các xã, thị trấn

Đã trang bị 45 xe thu gom rác cho các xã, thị trấn, cụ thể: xã Đức Hợp 09 xe, xã Vũ Xá 12 xe, xã Thọ Vinh 03 xe, thị trấn Lương Bằng 04, xã Chính Nghĩa 04 xe, xã Hiệp Cường 05 xe, xã Vĩnh Xá 08 xe.

2.5. Kết quả triển khai phân loại, xử lý rác thải hữu cơ tại hộ gia đình:

Phối hợp Hội phụ nữ huyện, UBND các xã, thị trấn phát 965 thùng và 11.000 gói chế phẩm cho hội viên hội phụ nữ và các hộ dân các xã, thị trấn. Tính đến ngày 31/10/2020, toàn huyện có 26.405 hộ gia đình (bao gồm các hộ gia đình đã được cấp phát dụng cụ hỗ trợ và các hộ gia đình tự thực hiện) đang thực hiện phân loại, xử lý rác thải hữu cơ tại hộ gia đình đạt 67,3% trên tổng số hộ dân của toàn huyện (toàn huyện có 39.214 hộ) đã góp phần giảm thiểu lượng rác thải phát sinh phải vận chuyển đi xử lý. Trong đó số hộ thực hiện bằng thùng là: 6.760 hộ, lắp hố rác và đào hố là 2.928 hộ, xây bể là 214 hộ, các hộ tự thực hiện bằng nhiều hình thức khác nhau là 16.503 hộ.

2.6. Công tác tiếp nhận các dự án đầu tư vào huyện:

Từ đầu năm đến nay có 14 dự án của các công ty doanh nghiệp đăng ký đầu tư vào huyện, đã tiếp nhận 10 dự án (giảm 05 dự án so với năm 2019), trong đó có 03 dự án đầu tư trạm kinh doanh xăng dầu, kinh doanh nhà hàng ăn uống, 01 dự án xin điều chỉnh nhà máy may, 01 dự án điều chỉnh nhà máy sản xuất sứ cao cấp, 01 dự án xin đầu tư xây dựng nhà máy may công nghệ cao, 02 dự án xin điều chỉnh khu nông nghiệp công nghệ cao, 01 dự án đề xuất tài trợ kinh phí nghiên cứu, khảo sát lập quy hoạch dự án đầu tư xây dựng, kinh doanh cơ sở hạ tầng khu công nghiệp Tiên Lữ - Kim Động – Ân Thi, 01 dự án xin khảo sát nghiên cứu  đầu tư các dự án: cụm công nghiệp thuộc địa phận các xã Nhân La, Phạm Ngũ Lão, khu nhà ở công nhân trên địa bàn xã Phạm ngũ Lão, xây dựng cảng đường thủy tại xã Hùng An và xã Đức Hợp với tổng mức đầu tư 12.509,6 tỷ đồng. Còn lại 04 dự án đang xin ý kiến cấp có thẩm quyền.

II. Các vấn đề còn tồn tại, hạn chế và nguyên nhân

  1. Về tồn tại, hạn chế:

- Phần lớn các trường hợp còn lại chưa được cấp Giấy chứng nhận không có giấy tờ hợp lệ, có nguồn gốc sử dụng đất phức tạp, vi phạm pháp luật đất đai. Đối với đất ở vi phạm chủ yếu dưới hình thức chuyển mục đích sử dụng đất, xây dựng trái phép, giao đất trái thẩm quyền, lấn chiếm đất công, mua bán trao tay, chia tách thừa kế, tặng cho nhưng không hoàn thiện thủ tục theo quy định.

- Cán bộ phòng Tài nguyên và Môi trường và chi nhánh Văn phòng đăng ký đất đai thiếu so với yêu cầu nhiệm vụ và tính chất công việc đặc thù phức tạp; điều kiện làm việc cần thiết khác cho việc thực hiện nhiệm vụ còn nhiều khó khăn.

- Diện tích thực hiện một số dự án liên quan đến nhiều loại đất, nhiều đối tượng quản lý sử dụng đất, nguồn gốc đất đai phức tạp nên việc thực hiện bồi thường GPMB, hỗ trợ tái định cư kéo dài.

- Không chấp thuận chủ trương 3ha một lần, thủ tục về đất đai, giá đất mất nhiều thời gian, thiếu nguồn kinh phí.

- Tình trạng xây dựng công trình trái phép trên đất nông nghiệp có dấu hiệu phát sinh khá nhiều trong 10 tháng đầu năm 2020, công tác duy trì ổn định trật tự sau giải tỏa chưa được chính quyền UBND các xã, thị trấn quan tâm đúng mức. Công tác tuyên truyền, vận động nhân dân hiệu quả chưa cao, công tác cưỡng chế giải tỏa vi phạm chưa quyết liệt.

- Công tác kiểm tra, giám sát của cấp ủy cơ sở chưa được thường xuyên, đặc biệt chưa phát huy hết vai trò cấp ủy viên trong chỉ đạo thực hiện.

- Bãi chôn lấp rác thải đều quá tải, ý thức của một bộ phận người dân còn hạn chế dẫn đến tình trạng đổ rác thải không đúng nơi quy định gây mất mỹ quan, ô nhiễm môi trường.

- Do thiếu thiết bị thu gom rác nên để duy trì các hoạt động thu gom hàng ngày vẫn có nơi phải đổ rác ra đường, khi xe chuyên dụng đến mới thu gom lên.

- Việc hoạt động của các tổ vệ sinh môi trường tại cơ sở không thường xuyên vì kinh phí do nhân dân đóng góp không đủ trả công người lao động, một số hộ gia đình không tham gia đóng góp phí VSMT cho người thu gom, tự mang đi đổ vứt rác bừa bãi không đúng nơi quy định: thị trấn Lương Bằng còn tình trạng người dân tập kết rác không đúng nơi quy định tại khu dân cư mới.

- Việc xả thải của các hộ chăn nuôi nhỏ lẻ trong khu dân cư xả trực tiếp ra sông, kênh, ao dẫn đến nguồn nước bị ô nhiễm, ảnh hưởng đến môi trường sống của người dân.

- Việc phân loại và xử lý rác thải hữu cơ tại hộ gia đình ở một số xã, thị trấn chưa đạt kết quả như mong muốn. Nhiều hộ gia đình còn e ngại và chần chừ chưa thực hiện, còn có ý kiến cho rằng vừa phải thực hiện việc phân loại và xử lý rác thải tại hộ gia đình nhưng vẫn phải đóng đầy đủ phí VSMT theo quy định của thôn, cơ sở. Sự vào cuộc của các ban ngành, đoàn thể ở địa phương trong công tác tuyên truyền vận động người dân tự giác phân loại rác thải tại hộ gia đình còn hạn chế. Một số hộ gia đình ban đầu không thuộc diện hỗ trợ thùng phân loại rác đã tự liên hệ với đơn vị sản xuất mua thùng và chế phẩm để tự thực hiện, do không được tập huấn và chưa biết cách phân loại rác nên đã làm giảm hiệu quả mô hình, sử dụng thùng không đúng mục đích, cưa cắt thùng như xã Chính Nghĩa có 02 hộ cưa cắt thùng, thôn Bằng Ngang có 03 hộ cưa cắt thùng đã làm ảnh hưởng chung đến hình ảnh và sự nỗ lực của các hộ thực hiện tốt  phân loại rác trên địa bàn huyện.

2. Nguyên nhân tồn tại:

-  Đất đai có nguồn gốc phức tạp, chính sách pháp luật thay đổi qua nhiều thời kỳ. Các văn bản về pháp luật đất đai chưa thống nhất đồng bộ, chưa sát với tình hình thực tiễn.

- Một bộ phận người sử dụng đất đã thông báo nhưng không đến kê khai đăng ký, không hoàn thiện hồ sơ cấp Giấy chứng nhận theo quy định; ý thức chấp hành về pháp luật đất đai chưa cao đặc biệt là khi thực hiện các quyền (chuyển nhượng, tặng cho, thừa kế), tự ý chia tách thửa, tự ý chuyển mục đích sử dụng đất làm nhà ở nhưng không hoàn thiện các thủ tục đúng theo quy định.

- UBND các xã, thị trấn chưa tích cực xét duyệt hồ sơ, chưa tập trung lãnh đạo chỉ đạo quyết liệt; các nhiệm vụ và giải pháp được triển khai chưa thực sự đầy đủ nên hiệu quả chưa cao.

- Một số địa phương có tốc độ công nghiệp, đô thị hóa diễn ra nhanh, đất đai có giá trị nên người dân tận dụng, lấn chiếm những vị trí đất xen kẹp trong khu dân cư hoặc tận dụng hành lang các công trình để làm dịch vụ gây khó khăn cho công tác quản lý đất đai. Mặt khác, việc phát hiện vi phạm ở cấp xã, thị trấn còn chậm, trong việc xử lý vi phạm còn ngại va chạm, sợ trách nhiệm nên xử lý không kiên quyết không dứt điểm, nhiều vi phạm để lâu nên phức tạp dẫn tới xử lý rất khó khăn.

- Đối với các vụ việc vi phạm trên đất không hợp pháp vì nhiều nguyên nhân như: do lịch sử để lại, xã bán trái thẩm quyền đã thu tiền từ nhiều năm về trước. Ý thức chấp hành của người dân chưa cao, nhu cầu về nhà ở của người dân tăng cao trong khi bố trí quỹ đất dãn dân chưa đáp ứng yêu cầu và giá đất ngày càng cao nên một bộ phận người dân không có điều kiện mua đất để làm nhà ở dẫn đến lẫn chiếm, sử dụng đất sai mục đích.

- Công tác giám sát của cộng đồng chưa được phát huy do đó ở một số địa phương đất đai có giá trị đã bị tận dụng, lấn chiếm xây dựng công trình, nhiều đối tượng đã bị ngăn chặn, xử phạt nhưng vẫn tái phạm.

-  Bảo vệ môi trường là nhiệm vụ phức tạp, khó khăn, vừa mang tính chất cấp bách trước mắt, vừa là nhiệm vụ lâu dài gắn liền với sự phát triển kinh tế-xã hội; đặc biệt là công tác bảo vệ môi trường thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa càng bức xúc, phức tạp.

- Công tác bảo vệ môi trường của huyện cần nguồn kinh phí rất lớn, trong khi đó việc đầu tư cho xử lý ô nhiễm môi trường nông thôn, làng nghề, các cơ sở y tế cần nguồn kinh phí rất lớn, trong khi nguồn kinh phí sự nghiệp môi trường huyện hàng năm chưa đáp ứng nhu cầu thực tế.

III. Nhiệm vụ và giải pháp trong năm 2021

1. Nhiệm vụ:

- Tập trung GPMB các dự án theo kế hoạch sử dụng đất năm 2020.

- Phối hợp với các Phòng, Ban, ngành, UBND xã, thị trấn giải quyết đơn thư, cũng như tranh chấp đất đai. Kiểm tra việc sử dụng đất của người sử dụng đất, giải quyết vi phạm về đất đai, xây dựng phương án giải quyết dứt điểm tình trạng chuyển mục đích không theo quy hoạch, kế hoạch, trái pháp luật.

- Tiếp tục phối hợp với Chi nhánh Văn phòng đăng ký đất đai xét duyệt hồ sơ cấp GCNQSD đất lần đầu, hồ sơ chuyển mục đích sử dụng đất cho nhân dân đảm bảo nhanh chóng, thuận lợi.

  - Đôn đốc các công ty, doanh nghiệp kiểm soát ô nhiễm môi trường theo định kỳ.

đóng phí bảo vệ môi trường đối với nước thải công nghiệp theo phân cấp. Duy trì hoạt động của Đội vệ sinh môi trường thường xuyên, hiệu quả.

- Tham mưu UBND huyện mua sắm thiết bị phục vụ công tác BVMT.

  1. Giải pháp:

- Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật về đất đai, nhằm nâng cao ý thức trách nhiệm của cán bộ, nhân dân và người sử dụng đất trong việc quản lý, sử dụng đất đúng mục đích, đúng quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất đã được phê duyệt, bảo đảm tiết kiệm, đem lại hiệu quả trong việc sử dụng đất.

-Tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến chính sách pháp luật đất đai để người sử dụng đất hiểu rõ và thực hiện đúng các quyền và nghĩa vụ của người sử dụng đất và kê khai, đăng ký; chỉ đạo các cơ quan thông tin, truyền thông trên địa bàn thường xuyên phổ biến, tuyên truyền, phản ánh đầy đủ, kịp thời tình hình cấp Giấy chứng nhận.

 - Tiếp tục thực hiện lồng ghép việc xét duyệt, thẩm định, kiểm tra hồ sơ cấp Giấy chứng nhận giữa UBND cấp xã, chi nhánh Văn phòng đăng ký đất đai, phòng Tài nguyên và Môi trường cho hộ gia đình, cá nhân ở địa phương đồng loạt theo từng xã, thị trấn mà không bị động chờ người sử dụng đất có nhu cầu đến đăng ký như trước đây; thường xuyên kiểm tra, theo dõi, đôn đốc, chỉ đạo, hướng dẫn tháo gỡ kịp thời khó khăn vướng mắc trong quá trình thực hiện không để ách tắc gây phiền hà cho người dân.

- Phối hợp các xã, thị trấn chủ động kiểm tra, phát hiện, ngăn chặn và xử lý kịp thời, dứt điểm đối với các trường hợp vi phạm Kế hoạch số 93A/KH-UBND ngày 31/3/2017 của UBND tỉnh Hưng Yên. Tham mưu vai trò trách nhiệm của tập thể, cá nhân lãnh đạo cấp ủy, chính quyền, các ngành, đoàn thể để xẩy ra nhiều vi phạm mới, khi phát hiện phát sinh vi phạm phải thực hiện biện pháp ngăn chặn, xử lý, giải quyết ngay từ khi còn manh nha.

- Thường xuyên kiểm tra, đôn đốc các xã, thị trấn trong việc thực hiện nội dung bản cam kết giữa Chủ tịch UBND các xã, thị trấn với Chủ tịch UBND huyện về thực hiện Kế hoạch số 93A/KH-UBND ngày 31/3/2017 của UBND tỉnh Hưng Yên.

- Phối hợp với Hạt Giao thông và môi trường huyện, UBND các xã, thị trấn chỉ đạo Đội VSMT huyện tổ vệ sinh môi trường của các thôn thực hiện việc thu gom rác theo đúng lịch đã được phê duyệt. Tuyên truyền nhân dân thực hiện tốt việc vệ sinh môi trường nơi ở, đường làng, ngõ xóm đảm bảo vệ sinh môi trường. Xử lý nghiêm các hành vi xả, thải rác thải không đúng nơi quy định gây ảnh hưởng ô nhiễm môi trường.

- Phối hợp UBND các xã, thị trấn có bãi chôn lấp rác thải khảo sát để thuê đơn vị thường xuyên san gạt, phun chế chẩm để nâng cao khả năng tiếp nhận rác thải tại các bãi chôn lấp, điểm tập kết.

- Tham mưu tổ chức thực hiện Kết luận số 02-KL/TU ngày 04/10/2016 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về Đề án của UBND tỉnh về bảo vệ môi trường, phòng chống biến đổi khí hậu tỉnh Hưng Yên giai đoạn 2016-2020, định hướng đến năm 2025 và các văn bản khác của Trung ương, Ban Thường vụ Tỉnh ủy, UBND tỉnh và của huyện về công tác bảo vệ môi trường trên địa bàn.

- Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục về bảo vệ môi trường trong toàn xã hội nhằm tạo sự chuyển biến và nâng cao nhận thức, ý thức chấp hành pháp luật bảo vệ môi trường, trách nhiệm xã hội của người dân, doanh nghiệp trong việc gìn giữ và bảo vệ môi trường. Nâng cao ý thức người dân trong việc phát hiện, tố giác hành vi gây ô nhiễm môi trường.

- Tiếp tục phối hợp Hội phụ nữ huyện thường xuyên đôn đốc, xuống địa phương kiểm tra, hướng dẫn các hộ dân tham gia thực hiện mô hình phân loại và xử lý rác thải tại hộ gia đình. Trong năm 2021 và các năm tiếp theo cần tiếp tục nhân rộng mô hình phân loại, xử lý rác thải hữu tại hộ gia đình.

- Tăng cường kiểm tra đối với các tổ chức, cá nhân hoạt động sản xuất kinh doanh có khả năng gây ô nhiễm môi trường.


Tin liên quan

LIÊN KẾT WEBSITE

Đánh giá của bạn về cổng thông tin điện tử






Gửi đánh giá Xem kết quả
31 người đang online