31/10/2018 | lượt xem: 3 Đi lên từ mảnh đất quê hương Anh Nguyễn Văn Phóng sinh ra và lớn lên ở vùng nông thôn thuần nông. Năm 2002 tốt nghiệp THPT vì hoàn cảnh gia đình nên anh chọn con đường vào thành phố Hồ Chí Minh vừa học nghề vừa đi làm. 6 năm ở thành phố Hồ Chí Minh anh làm đủ nghề để kiếm sống song do chi phí ở thành phố đắt đỏ nên số tiền kiếm được không đáng là bao. Năm 2008 anh trở về quê, thấy quê hương có nhiều đổi mới, đời sống nhân dân trong thôn khá lên nhiều còn bản thân thì vẫn tay trắng. Anh tự nhủ với bản thân phải làm một điều gì đó có ý nghĩa trên mảnh đất quê hương của mình. Giai đoạn 2004-2009 theo chủ trương của nhà nước và sự quan tâm của chính quyền địa phương khuyến khích chuyển đổi đất lúa kém hiệu quả sang mô hình VAC, chuyên canh cây đặc sản... Nhà anh lúc đó có 8 sào đất chiêm trũng cấy lúa không hiệu quả anh đã mạnh dạn xin phép bố mẹ vay vốn chuyển đổi sang mô hình VAC. Cuối năm 2008 mô hình cua đồng, chạch đồng kết hợp với cấy lúa được hình thành với số vốn vay là 100 triệu. Mới khởi nghiệp thiếu vốn, thiếu kinh nghiệm khoa học kỹ thuật nên công việc của anh thất bại. Song anh vẫn không nản lòng, vẫn quyết tâm làm giàu trên chính quê hương mình. Năm 2010 là năm bản lề đánh dấu bước ngoặt cuộc đời anh. Anh bén duyên với con ba ba và cây thanh long ruột đỏ. Do trận lũ cuối năm 2008, lượng ba ba giống của miền bắc khan hiếm trong khi ở miền Nam rất dồi dào. Anh thuyết phục gia đình vay thêm 100 triệu, vào Cần Thơ tìm nguồn cung cấp ba ba giống về nuôi và cung ứng ba ba giống cho miền Bắc. Từ năm 2010 - 2014 trang trại giống của anh, hàng năm cung cấp ra thị trường miền Bắc trung bình khoảng 3 tấn thịt ba ba thương phẩm, 500 ngàn con ba ba giống tạo công ăn việc làm ổn định cho 4 lao động, trừ chi phí lợi nhuận khoảng 300 - 500 triệu/năm. Cây thanh long ruột đỏ cũng bén duyên cùng với chuyến đi vào Cần Thơ tìm nguồn ba ba giống. Mới đầu trồng 300 trụ anh cũng không chú trọng nó vì không biết có hiệu quả không chỉ mạnh dạn nhập từ viện cây ăn trái miền Nam rồi viện cây ăn trái Đồng Nai, từ các hộ trồng ở Thạch Thất Hà Tây. Sau bao cố gắng tìm tòi thử nghiệm cuối cùng anh tuyển chọn được một loại giống ưu việt về năng suất, mẫu mã và khả năng thích ứng với điều kiện khí hậu miền Bắc. Anh tiếp tục đầu tư thời gian vào Bình Thuận, Long An, Tiền Giang học tập cách trồng và chăm sóc cây thanh long ruột đỏ, từ 300 trụ năm 2009 anh đã đầu tư trồng 1.500 trụ năm 2018. Cung cấp giống thanh long ruột đỏ chất lượng cao, chuyển giao khoa học kỹ thuật, phân bón cho các hộ nông dân trên địa bàn tỉnh Hưng Yên và các tỉnh lân cận. Từ năm 2015 - 2017 sản lượng thanh long nhà anh khoảng 30-40 tấn/năm trừ chi phí lợi nhuận khoảng 500-700 triệu/năm, tạo công ăn việc làm ổn định cho 5-8 lao động. Cuối 2017 được sự giúp đỡ hướng dẫn tận tình của Ban Thường vụ huyện Đoàn Kim Động anh đã cùng 8 thành viên khác thành lập HTX sản xuất dịch vụ và thương mại nông sản Học Phát tại thôn Đào Xá - Vĩnh Xá - Kim Động - Hưng Yên, anh được bầu làm chủ tịch HĐQT kiêm giám đốc điều hành. Hợp tác xã có tổng diện tích là 25ha trong đó có 15ha trồng thanh long ruột đỏ sản lượng 300 tấn/năm, 10ha cây có múi sản lượng 200 tấn/ha. HTX cung ứng gần 80 tấn nông sản cho các chuỗi ở thành phố Hà Nội như Bác Tôm, Helo Mam, Miền xanh, Beehud... Đầu 2018, HTX tiếp tục ký hợp tác với tập đoàn An Việt đưa trái thanh long ruột đỏ lên sàn giao dịch nông sản Việt Nam giúp tiếp cận các nhà tiêu thụ vừa và nhỏ, dự tính trong năm 2018 HTX tiêu thụ hết 300 tấn thanh long ruột đỏ và 100 tấn cam Hưng Yên. Được sự tín nhiệm của các thành viên, anh tiếp tục được bầu làm Chủ tịch Câu lạc bộ thanh niên khởi nghiệp của huyện. Với những kết quả đạt được, anh đã vinh dự được nhận Giấy khen của Chủ tịch UBND huyện Kim Động trong phong trào thanh niên làm kinh tế giỏi; được Ban Thường vụ huyện Đoàn tặng Giấy khen ĐVTN tiêu biểu có thành tích xuất sắc trong phong trào thanh niên xung kích tình nguyện phát triển kinh tế xã hội và bảo vệ tổ quốc. Vinh dự được truyền hình VTV6 về quay phóng sự “Sinh ra từ làng”. Ban Tuyên giáo Huyện ủy