07/06/2021 | lượt xem: 2 Huyện Kim Động: Đổi mới, thúc đẩy phát triển mô hình kinh tế tập thể Nhiều năm qua, phát triển kinh tế tập thể (KTTT) mà nòng cốt là hợp tác xã (HTX) được xem là chủ trương đúng đắn và nhất quán của Đảng, Nhà nước ta. Khi các tổ hợp tác ngày càng đóng vai trò quan trọng, là “bà đỡ” cho kinh tế hộ, từng bước cải thiện đời sống người nông dân, góp phần quan trọng trong việc xóa nghèo làm giàu, xây dựng nông thôn mới, thì vào tháng 10/2019, Chính Phủ đã ban hành Nghị định số 77/2019/NĐ-CP về Tổ hợp tác. Điều này đã góp phần hoàn thiện về cơ chế, chính sách, tạo điều kiện cho các Tổ hợp tác (THT) hoạt động theo kịp sự vận động chung của nền kinh tế thị trường định hướng XHCN trong giai đoạn hiện nay. Tới thăm trang trại của gia đình ông Dương Văn Dũng ở thôn Dưỡng Phú, xã Chính Nghĩa - một trong những hộ sớm gắn bó với cây nhãn chúng tôi được biết, ngay từ năm 1999, ông đã đầu tư phát triển kinh tế với mô hình V.A.C kết hợp. Trong tổng diện tích 7 mẫu trang trại của gia đình, ông Dũng kết hợp đào ao thả cá thương phẩm, xây dựng chuồng trại chăn nuôi lợn, đồng thời kết hợp trồng xen canh vải và 200 gốc nhãn xung quanh bờ ao. Với tinh thần ham học hỏi, ông Dũng đã tìm hiểu, nghiên cứu đưa các giống nhãn ngon, chất lượng như: T2, T6, nhãn siêu ngọt vào thâm canh, ứng dụng KHKT vào xử lý nhãn chín sớm và nhãn muộn để nâng cao hiệu quả kinh tế cho gia đình. Ông cũng từng là thành viên của HTX trồng nhãn trên địa bàn huyện, song hoạt động chỉ dừng lại ở việc được tham gia tập huấn, trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm trồng và chăm sóc nhãn, chưa có sự liên kết trong khâu tiêu thụ dẫn đến sản phẩm sản xuất ra tiêu thụ bấp bênh, hiệu quả kinh tế đạt thấp. Ông Dũng chia sẻ: “Khi lựa chọn cây nhãn là loại cây trồng chủ lực để đầu tư, gia đình tôi cũng gặp rất nhiều khó khăn do ảnh hưởng của nhiều yếu tố như thời tiết, sâu bệnh, thường xuyên phải đối mặt với tình trạng được mùa mất giá, thậm chí còn bị thua lỗ. Vì vậy, tôi luôn mong mỏi có sự hỗ trợ của các cấp, các ngành trong việc thành lập mô hình kinh tế tập thể, từ đó giúp tạo dựng thương hiệu cho sản phẩm của chúng tôi, có đầu ra ổn định trên thị trường…” Để giúp các nông hộ giải khắc phục những tồn tại, bất cập trong sản xuất nông nghiệp, góp phần hỗ trợ thúc đẩy phát triển kinh tế tập thể trên địa bàn huyện, những năm qua, trên cơ sở cơ chế, chính sách hỗ trợ của tỉnh, phòng chuyên môn và các ngành chức năng của huyện Kim Động đã tích cực tham mưu với cấp ủy, chính quyền đề ra những giải pháp thiết thực, từng bước giúp người nông dân nâng cao giá trị sản phẩm, có thể làm giàu bằng chính sản phẩm nông nghiệp ngay tại quê hương. Với quan điểm đồng hành cùng thúc đẩy phát triển kinh tế tập thể, mặc dù còn gặp khó khăn, song hàng năm huyện đều bố trí nguồn kinh phí để hỗ trợ các HTX, THT trong việc đưa sản phẩm nông nghiệp tham gia quảng bá, giới thiệu sản phẩm tại các Hội chợ trong và ngoài tỉnh; xây dựng mô hình sản xuất đảm bảo quy trình an toàn thực phẩm có liên kết sản xuất, đồng thời chú trọng phát triển các mô hình HTX ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất nông nghiệp, cũng như mô hình HTX liên kết sản xuất, tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp. Phòng Nông nghiệp &PTNT huyện phối hợp với các ngành liên quan triển khai hướng dẫn, hỗ trợ các HTX trong việc xây dựng hồ sơ tham gia đánh giá, xếp hạng sản phẩm thuộc Chương trình OCOP; đề xuất với tỉnh quan tâm, phân bổ ngân sách nhằm hoàn thiện hệ thống cơ sở hạ tầng và hỗ trợ các sản phẩm đạt chứng nhận tiêu chuẩn VietGap, qua đó thúc đẩy phát triển sản xuất nông nghiệp an toàn trên địa bàn. Theo Ông Hoàng Thế Anh – Huyện ủy viên, Chủ tịch Hội Nông dân huyện cho biết: “Trước nhu cầu của người tiêu dùng hiện nay thường chú trọng tới các sản phẩm được sản xuất theo quy trình an toàn, đảm bảo chất lượng vệ sinh an toàn thực phẩm, có bao bì đẹp. Và muốn tiêu thụ được sản phẩm với giá trị kinh tế cao, bền vững, đòi hỏi người sản xuất phải liên kết với các doanh nghiệp, siêu thị, nhà phân phối… Các cấp Hội Nông dân trong huyện đã tham mưu, tổ chức nhiều hoạt động hướng dẫn, kết nối và hỗ trợ và đồng hành với người nông dân thành lập và duy trì hoạt động của các mô hình HTX, THT, qua đó tạo điều kiện thúc đẩy phát triển sản xuất hiệu quả hơn, nâng cao thu nhập cho người nông dân…” Với sự lãnh đạo của các cấp ủy đảng, chính quyền, sự hỗ trợ tích cực từ phía ngành chức năng, các đoàn thể cùng sự năng động nhạy bén trong tư duy sản xuất của người nông dân, đến cuối năm 2020, toàn huyện đã có 28 HTX và 33 THT trong lĩnh vực nông nghiệp được thành lập, trong đó tập trung nhiều ở xã Phạm Ngũ Lão với 5 HTX và 12 THT, xã Hùng An có 3 HTX, 7THT, Vĩnh Xá có 3HTX, 1 THT… Hoạt động của các HTX, THT trên địa bàn đã dần đi vào nền nếp, giúp gắn kết các hộ sản xuất, để cùng nhau chia sẻ, trao đổi kinh nghiệm sản xuất, kinh doanh, tạo nên vùng chuyên canh sản xuất tập trung, giúp nâng cao hiệu quả hoạt động các HTX nông nghiệp, từ đó góp phần xây dựng thương hiệu nông sản của từng địa phương đi vào chiều sâu theo hướng khép kín từ sản xuất, dịch vụ đến tiêu thụ sản phẩm, nhằm đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của thị trường. Bên cạnh sự đồng hành, hỗ trợ tích cực của các cấp, các ngành, nhiều nông dân trong huyện cũng đã nắm bắt xu thế phát triển và nhu cầu của thị trường, thay đổi tư duy sản xuất để tạo ra các sản phẩm chất lượng, đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm, từng bước tạo được uy tín và thương hiệu cho sản phẩm nông sản, đưa ra tiêu thụ trên thị trường không chỉ trong mà cả ngoài tỉnh. Một trong số những nông dân tiêu biểu đó là anh Trịnh Ngọc Tiệp (ở thôn Ngọc Đồng, xã Ngọc Thanh). Với quyết tâm làm giàu trên chính mảnh đất quê hương, từ đầu năm 2019 đến nay, anh Tiệp mạnh dạn đầu tư đưa nhiều giống cây ăn quả, cùng một số giống hoa như: hoa huệ, hoa cúc vào thâm canh. Anh Tiệp cũng tích cực tìm tòi, học hỏi, tích lũy kinh nghiệm, áp dụng KHKT vào sản xuất, trong đó có việc nghiên cứu ghép cải tạo thành công 5 mẫu nhãn bằng các giống nhãn mới, cho năng suất, giá trị kinh tế cao, đặc biệt anh Tiệp đã áp dụng kỹ thuật xử lý để hầu hết các diện tích nhãn của gia đình chín sớm hoặc ra quả trái vụ. Thông qua mô hình HTX sản xuất và Thương mại dịch vụ Nhãn thương hiệu và hoa công nghệ cao mang tên anh, cùng mối quan hệ kết nối với nhiều bạn hàng khắp các tỉnh, thành trên cả nước, hiện nay anh Tiệp đã và đang triển khai tiêu thụ hàng chục tấn sản phẩm nông sản của gia đình bao gồm: bí xanh, xả, hoa huệ, hoa cúc và đặc biệt là nhãn sớm, với giá bán đầu vụ dao động từ 40.000 đến 70.000 đồng/kg, đem lại thu nhập cao cho gia đình. Anh Trịnh Ngọc Tiệp cho biết: “Tham gia vào HTX, các thành viên chúng tôi không chỉ được hỗ trợ, tư vấn tiêu thụ sản phẩm một cách thuận lợi hơn, không lo bị ép giá, mà hơn hết là giúp thay đổi tư duy sản xuất của mỗi thành viên, tạo ra các sản phẩm nông sản chất lượng cung cấp cho thị trường nhờ vào việc tuân thủ nghiêm túc quy trình sản xuất an toàn. Từng bước mở rộng vùng trồng hướng đến liên kết sản xuất quy mô lớn, tạo dựng thương hiệu cho sản phẩm nhãn, từ đó giúp chúng tôi nâng cao hơn nữa thu nhập từ sản phẩm nông sản đặc trưng này”. Anh Trịnh Ngọc Tiệp (thôn Ngọc Đồng, xã Ngọc Thanh) bên vườn nhãn chín sớm Sự năng động, nhạy bén cùng những thay đổi trong tư duy sản xuất của người nông dân, kết hợp với sự hỗ trợ, đồng hành của các cấp, các ngành thời gian qua đã đem lại hiệu quả thiết thực, giúp người nông dân nâng cao chất lượng, thuận lợi trong việc tìm đầu ra cho sản phẩm nông nghiệp, đem lại hiệu quả kinh tế cho nhiều nông hộ. Điều này đang dần khẳng định hướng đi đúng đắn của việc đổi mới, phát triển các mô hình kinh tế tập thể nói chung, và của HTX, tổ hợp tác trong lĩnh vực nông nghiệp nói riêng, qua đó từng bước nâng tầm giá trị sản phẩm nông nghiệp, giúp người nông dân làm giàu bằng chính cây trồng chủ lực trên ngay trên quê hương mình./. Mỹ Lệ (Đài Truyền thanh huyện)
Sở Thông tin và truyền thông tập huấn nâng cao nhận thức, kỹ năng về chuyển đổi số tại huyện Kim Động
Ngân hàng CSXH huyện Kim Động: Tiếp tục triển khai cho vay Học sinh sinh viên theo Quyết định 157/2007/QĐ-TTg và Quyết định số 05/2022/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ
Ngân hàng CSXH huyện: Triển khai dịch vụ Mobile Banking đến 100% thành viên Ban đại diện HĐQT Ngân hàng CSXH huyện, Chủ tịch Hội, đoàn thể cấp xã và Tổ trưởng Tổ TK&VV
Ngân hàng CSXH huyện: Tiếp tục triển khai hoạt động tín dụng chính sách đối với hộ nghèo, đối tượng chính sách