Nét đặc sắc của đình Phán Thủy xã Song Mai

Mỗi một vùng quê trên dải đất hình chữ “S” Việt Nam đều có những nét văn hóa mang đậm bản sắc dân tộc, trong đó đình làng là một trong những nét văn hóa đặc sắc tiêu biểu đó. Không chỉ là nơi thờ phụng Thành hoàng làng, vị thần làng, người có công giúp dân giúp nước mà còn là trung tâm sinh hoạt văn hóa và tín ngưỡng gắn bó với cư dân nông nghiệp và mang nhiều nét đặc trưng của nền văn minh lúa nước. Đình làng Phán Thủy là một trong những công trình kiến trúc văn hóa mang tính dân tộc đó.

Đình làng Phán Thủy ( thôn Phán Thủy, xã Song Mai) là nơi chứa đựng nhiều giá trị văn hóa, kiến trúc và tâm linh đặc sắc.

Theo như thần phả,thần tích  mà làng còn giữ lại được và qua lời kể của các cụ cao niên trong làng,thì đình làng Phán Thủy là nơi thờ hai vị thành hoàng làng là Nguyệt Lăng Đại Vương và Trung Quốc Đại Vương có công giúp vua Trần Nhân Tông đánh giặc Mông Cổ và giúp dân làm ăn yên ổn và hai ngài là Độc Cước Đại Vương người có công giúp vua Lý Thánh Tông đánh giặc Chiêm Thành sang xâm lược, ngoài ra còn thờ ông thầy họ Nguyễn là thầy dạy của hai ngài Nguyệt Lãng và Trung Quốc. Đình làng được xây dựng khá sớm từ thời nhà Trần, đến thời nhà Nguyễn thì được xây dựng lại với quy mô lớn hơn và được trùng tu lại vào năm 2004, 2010.Trải qua nhiều lần trùng tu, kiến trúc và điêu khắc của đình hiện nay mang nhiều phong cách nghệ thuật, tuy nhiên những nét hài hòa của kiến trúc cũ không hề bị phá vỡ.

Với không gian kiến trúc rộng mang đậm dấu ấn văn hóa độc đáo và tiêu biểu cho kiến trúc điêu khắc truyền thống, khuôn viên đình nhiều cây xanh bao quanh, phía trước sân đình là hồ nước lớn tạo nên một vẻ đẹp đặc trưng thoáng đãng,bình yên và có phần cổ kính. Không gian kiến trúc đình được phân chia thành các khu riêng biệt: ao, vườn, nhà tiền đường và hậu cung, nằm trong một khuôn viên đất rộng bằng phẳng với diện tích lớn. Đình làng Phán Thủy được xây dựng theo kiến trúc truyền thống kết cấu theo kiểu kiến trúc kiểu chữ Tam, được dựng bằng những cột lim tròn to, thẳng tắp đặt trên những hòn đá tảng lớn. Kèo, xà ngang, xà dọc được được làm bằng gỗ lim, tường xây bằng gạch. Mái đình lợp ngói mũi hài,bốn góc có đầu đao cong lên trông như đuôi con công con phượng uốn cong; sân đình được lát gạch sạch sẽ. Bên trong đình các cột mái làm bằng gỗ lim, được trạm trổ tinh vi và có sự tương ứng với nhau một cách hợp lý. Gian giữa có hương án thờ hai vị thành hoàng làng, trong đình có chiếc trống cái to được đặt bên trong mỗi khi có việc trọng đại hay tế lễ, việc của đình là tiếng trống lại vang lên thúc giục người dân, các cụ cao niên về tụ tập lại trong đình để bàn tính công việc của làng, của nước, của đình. .Nét đặc sắc của ngôi đình này là kỹ thuật chạm trổ, điêu khắc trong hậu cung và gian đại bái thật độc đáo theo phong cách dân gian,các nét trạm trổ thanh thoát dứt khoát. Bên cạnh đó, nghệ thuật trang trí cũng rất đặc biệt thể hiện qua các hình ảnh hoa văn trên các cột gỗ hay bức trướng, cửa võng như: hoa sen, cá chép, rồng phượng, lá sen..Tất cả những nét chạm trổ tinh vi khéo léo được đặt trong trong một bố cục hợp lý thể hiện một cuộc sống, cũng như đời sống phong phú của nhân dân lao động trong xã hội xưa.

Cũng như bao ngôi đình khác của vùng đồng bằng Bắc Bộ, đình làng Phán Thủy là ngôi nhà chung để người dân hội họp, sinh hoạt văn hóa tín ngưỡng và tế lễ thờ cúng các vị thần có công giúp nước, giúp dân, đây còn là nơi nuôi dưỡng cán bộ đội trong thời kỳ chiến tranh. Hàng năm , hội làng diễn ra từ ngày mùng 1 cho đến hết ngày mùng 10 tháng giêng; trong những ngày này thì ngày mùng 4 là ngày quan trọng nhất và náo nhiệt nhất bởi này này diễn ra lễ hội rước kiệu, ngai và bài vị hai vị thành hoàng Nguyệt Lãng và Trung Quốc lên đền Thượng (đền thờ thần Độc Cước) ở cùng làng để tế lễ, trong khi tế lễ làng có đội tế gồm 8 người ăn mặc áo mũ chỉnh tề đứng cùng với quan Chủ tế hành lễ. Ngoài ngày hội làng tháng giêng cửa đình còn để tổ chức nhiều hoạt động như : mồng 3 tháng 12 âm lịch làm lễ kỷ niệm ngày hóa của hai ngài Nguyệt Lãng và Trung Quốc, ngày 15 tháng 5 âm lịch dân làng tổ chức lễ tưởng nhớ ngày hóa của ngài Độc Cước, ngày 15 tháng 8 là ngày tiệc mừng sắc phong,mừng thọ các cụ già trong làng……ngoài ra còn mở cửa để các cụ cao niên tổng kết việc trong làng đã làm và bàn bạc việc những việc cần làm,và sửa hương án. Các cụ ra đình phải ngồi theo thứ tự “chiếu trên chiếu dưới” rõ ràng, các cụ cao tuổi hơn thì ngồi chiếu trên, các cụ ít tuổi hơn thì ngồi chiếu dưới hoặc dựa theo cấp bậc mà ngồi. Trong làng có cụ 100 tuổi thì cụ được ngồi chiếu trên nếu có duy nhất một cụ 100 tuổi thì một mình cụ được ngồi chiếu trên. Từ những năm 90 của thế kỉ XX đình được sự quản lý trực tiếp của chính quyền địa phương, xã đã thành lập Ban quản lý di tích và Ban khánh tiết chuyên lo việc tế lễ, chăm sóc, tu bổ di tích với nguồn kinh phí do dân làng công đức,phục vụ đèn nhang,tuần tiết để phục vụ nhân dân và chiêm bái.

Thôn Phán Thủy hiện nay từng bước đổi mới, cuộc sống người dân hiện nay đã khá hơn trước, xóm làng đã thay đổi không chỉ ở vẻ bề ngoài mà còn đổi mới ngay cả ở trong những nét văn hóa,những thủ tục rườm rà trong ma chay lẫn cưới hỏi đã được điều chỉnh sao cho phù hợp hơn. Những nét đẹp mang tính truyền thống hay các thủ tục lễ tiết vẫn được người làng gìn giữ cẩn thận và coi trọng. Đình Phán Thủy là nơi lưu giữ những giá trị văn hóa truyền thống của cha ông để lại, là một di tích có giá trị về mặt lịch sử văn hóa cũng như kiến trúc nghệ thuật vì vậy mà việc bảo vệ và sử dụng di tích một cách hợp lý,có hiệu quả là cần thiết, các hạng mục và cấu kiện kiến trúc khá đồng bộ có nhiều mảng chạm khắc đẹp và còn lưu giữ được nhiều hiện vật như:  ngai thờ, bài vị, câu đối, bát bử, hạc đồng, giá văn……có giá trị lịch sử cao.

Đình làng Phán Thủy  là ngôi đình cổ có giá trị về mặt lịch sử, kiến trúc trên địa bàn tỉnh mà qua thời gian còn bảo lưu được tương đối nguyên vẹn, từ những giá trị lịch sử, kiến trúc và những hiện vật quý được lưu giữ tại di tích. Đình làng  Phán Thủy đã được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch ra quyết định công nhận đình là “ Di tích kiến trúc nghệ thuật ” cấp quốc gia vào ngày 08 tháng 7 năm 2014.


Tin liên quan

LIÊN KẾT WEBSITE

Đánh giá của bạn về cổng thông tin điện tử






Gửi đánh giá Xem kết quả
128 người đang online