Ngân hàng CSXH huyện: đẩy mạnh CCHC trong hoạt động của mô hình Điểm giao dịch xã

Cùng với hoạt động hiệu quả của các Tổ tiết kiệm và vay vốn; Mô hình “Điểm giao dịch xã” chính là một bước tiến trong cải cách thủ tục hành chính của NHCSXH huyện (đưa các hoạt động nghiệp vụ về phục vụ ngay tại điểm giao dịch xã, thị trấn), được chính quyền và các đoàn thể đánh giá cao. Mô hình Điểm giao dịch xã của NHCSXH đã giúp người nghèo và các đối tượng chính sách tiếp cận nguồn vốn vay ưu đãi một cách nhanh chóng, thuận lợi, tiết kiệm nhiều thời gian, chi phí, công sức so với cách làm trước đây. Đồng thời góp phần đảm bảo tính dân chủ, công khai với cách thức “giao dịch tại nhà, giải ngân, thu nợ tại xã”; Nhờ vậy hạn chế phát sinh tiêu cực, tham ô, chiếm dụng vốn trong các hoạt động tín dụng chính sách xã hội.

Được biết, trên địa bàn huyện nhà có 17 điểm giao dịch của NHCSXH tại các xã, thị trấn; Đến nay đã phục vụ nhu cầu giao dịch của hàng chục nghìn lượt khách hàng, trong đó hiện có gần 7.300 khách hàng còn dư nợ các chương trình tín dụng với tổng số tiền hơn 466 tỷ đồng. Nhằm đẩy mạnh thực hiện công tác Chuyển đổi số, CCHC trong hoạt động tín dụng vốn CSXH, 100% điểm giao dịch xã, thị trấn đã được trang bị đầy đủ máy tính kết nối mạng Internet tốc độ cao, được cài đặt các phần mềm, ứng dụng đặc thù của ngân hàng CSXH, thường xuyên được kiểm tra tính bảo mật, phòng chống xâm nhập, đánh cắp dữ liệu trên môi trường mạng,… Đồng thời, cán bộ, chuyên viên giao dịch tại các điểm giao dịch thường xuyên được tham gia các lớp tập huấn nâng cao chuyên môn nghiệp vụ để phục vụ tốt hơn cho các đối tượng vay vốn.

Vào ngày giao dịch cố định hàng tháng tại mỗi địa phương, cán bộ tín dụng phụ trách địa bàn trực tiếp trao đổi với lãnh đạo chính quyền xã, thị trấn; các hội, đoàn thể nhận ủy thác và đại diện Tổ tiết kiệm & vay vốn; Qua đó nắm bắt tình hình hoạt động, đánh giá những mặt đạt được, khó khăn tồn tại, trên cơ sở đó kịp thời giải quyết những khó khăn, vướng mắc và đề ra các giải pháp, kế hoạch triển khai tín dụng chính sách hiệu quả. Cùng với đó, chuyên viên ngân hàng CSXH, tổ trưởng các tổ Tiết kiệm & vay vốn ở các xã, thị trấn cũng trực tiếp hướng dẫn, hỗ trợ khách hàng giải đáp thắc mắc, thực hiện các giao dịch,… nhất là các bước thao tác trên ứng dụng dịch vụ ngân hàng điện tử (Mobile Banking) cài đặt trên thiết bị di động,… Nhờ vậy, thay vì phải trực tiếp đến phòng giao dịch của Ngân hàng CSXH huyện để thực hiện các thủ tục phức tạp khi có nhu cầu vay vốn, giờ đây người dân có thể thực hiện một số giao dịch tại nhà thông qua ứng dụng ngân hàng điện tử, hoặc đến các điểm giao dịch của NHCSXH tại các xã, thị trấn. Qua thống kê, nhờ có hệ thống mạng lưới Điểm giao dịch xã, thị trấn, đến nay hơn 95% tổng giá trị giao dịch của NHCSXH với người nghèo và các đối tượng chính sách trên địa bàn tỉnh Hưng Yên nói chung và huyện Kim Động nói riêng, được thực hiện một cách thuận lợi ngay tại nơi cư trú.

Ngoài ra, tính ưu việt của mô hình Điểm giao dịch xã của NHCSXH trong việc đơn giản hóa các thủ tục hành chính, tạo thuận lợi cho người dân còn thể hiện ở việc: ngay tại các điểm giao dịch xã, thị trấn, đều được niêm yết công khai các chương trình tín dụng chính sách, các quy trình, thủ tục, danh sách hộ vay vốn, số dư nợ, thời hạn trả nợ của từng người vay và nội quy giao dịch,… ; Nhờ vậy chính quyền địa phương, các tổ chức chính trị - xã hội và người dân đều thuận tiện hơn trong việc tiếp cận, tìm hiểu, nắm bắt các thông tin, chương trình tín dụng; Mặt khác, cùng với hoạt động tích cực của Tổ tiết kiệm và vay vốn đã tạo sự quản lý chặt chẽ vốn tín dụng chính sách xã hội từ khâu bình xét cho vay, sử dụng vốn vay đến khâu trả nợ, trả lãi; Từ đó phát huy tính dân chủ, nâng cao hiệu quả giám sát các hoạt động tín dụng từ nguồn vốn chính sách của nhà nước.

Có thể khẳng định, việc triển khai các Điểm giao dịch xã là một bước tiến trong cải cách thủ tục hành chính và là một đặc thù riêng có của NHCSXH, nhằm tối ưu hóa thời gian giao dịch, thể hiện tinh thần trách nhiệm của cán bộ NHCSXH đối với người nghèo và các đối tượng chính sách khác, đáp ứng tôn chỉ hoạt động vì mục tiêu an sinh xã hội. Thời gian tới ngân hàng CSXH huyện tiếp tục phối hợp với các địa phương nâng cao chất lượng hoạt động tại các Điểm giao dịch xã, thị trấn; bảo đảm hiệu quả và tuân thủ theo đúng quy trình, quy định; tập trung rà soát, điều chỉnh và có hướng khắc phục đối với những Điểm giao dịch chất lượng hoạt động còn thấp, thiếu ổn định, bảo đảm 100% khách hàng đủ điều kiện, có nhu cầu vay vốn đều được tiếp cận vốn chính sách ưu đãi của Nhà nước.        

TTVH&TT huyện

Tin liên quan

LIÊN KẾT WEBSITE

Đánh giá của bạn về cổng thông tin điện tử






Gửi đánh giá Xem kết quả
115 người đang online