Ngành GD huyện nhà: ứng dụng học bạ điện tử với 100% học sinh khối Tiểu học

Thực hiện Đề án “Tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin và chuyển đổi số trong giáo dục và đào tạo giai đoạn 2022 – 2025”, năm học 2023 – 2024 ngành GD&ĐT huyện nhà đã triển khai thí điểm học bạ điện tử đối với 100% học sinh khối tiểu học. Đây là bước tiến lớn trong thực hiện Cải cách hành chính của ngành GD huyện nhà, nhằm số hóa giấy tờ, hồ sơ, giảm áp lực sổ sách cho giáo viên, đổi mới công tác quản lý cho các nhà trường; đồng thời, tăng tính công khai, minh bạch trong việc đánh giá, xếp loại học sinh, qua đó góp phần nâng cao chất lượng giáo dục theo hướng hiện đại, thực chất.

Năm học 2024 – 2025 này là năm thứ 2 toàn khối Tiểu học tiếp tục triển khai ứng dụng học bạ điện tử; Hiệu quả thấy rõ là tiết kiệm thời gian, chi phí, công sức cho cán bộ, giáo viên. Ban giám hiệu các nhà trường kiểm tra việc thực hiện quy chế chuyên môn của giáo viên, tiến độ vào điểm, đánh giá học sinh,… thuận lợi hơn hình thức học bạ giấy thủ công trước kia rất nhiều. Ngoài ra, việc quản lý hồ sơ của nhà trường trở nên dễ dàng và nhanh chóng, sắp xếp thông tin liên quan đến học sinh một cách khoa học, thuận lợi hơn khi chuyển, nhận hồ sơ đối với các trường hợp học sinh chuyển lớp, chuyển trường,...

Tiến tới mục tiêu ứng dụng Học bạ điện tử ở tất cả các cấp học nhằm tạo ra tính liên thông trong đánh giá, tích hợp, lưu trữ và đồng bộ kết quả học tập, rèn luyện của học sinh trên địa bàn huyện và ở các bậc học sau trên toàn quốc; ngành GD&ĐT huyện đã phối hợp chặt chẽ với Viettel - đơn vị cung cấp dịch vụ Học bạ điện tử; tổ chức nhiều buổi hướng dẫn, tập huấn cho giáo viên, cán bộ quản lý; để nắm vững quy trình, cách thức kết nối, sử dụng ứng dụng Học bạ điện tử, ký số,…

Các trường Tiểu học, trường liên cấp Tiểu học và THCS trong huyện đã thành lập ban quản trị phần mềm học bạ điện tử; trong đó trực tiếp hiệu trưởng là người chịu trách nhiệm quản lý mọi tài khoản sử dụng phần mềm học bạ điện tử; thường xuyên kiểm tra việc thực hiện các quy định về bảo mật tài khoản, các quy định về cập nhật điểm số và các thông tin khác của giáo viên, học sinh vào cơ sở dữ liệu của nhà trường. Các thầy cô giáo có vai trò quản trị viên; thực hiện nhiệm vụ nhập điểm các bài kiểm tra, bài thi; báo cáo tiến độ nhập điểm và quản lý chặt chẽ, nghiêm túc việc sửa chữa điểm đã nhập, cũng như các chế độ bảo mật thông tin trong sổ điểm điện tử theo đúng nguyên tắc, quy trình, tránh tuyệt đối tình trạng cho điểm “ảo” và can thiệp vào học bạ, đảm bảo tính công khai, minh bạch. Phụ huynh cũng có thể theo dõi cả quá trình học tập, phấn đấu của con em mình qua điểm số các bài thi và nhận xét của các giáo viên trên học bạ điện tử; nhờ đó chủ động nắm bắt tình hình học tập, rèn luyện của học sinh để phối hợp cùng giáo viên, nhà trường trong giáo dục con em. Ngoài ra, khi cần trích xuất thông tin học bạ, phụ huynh có thể tự thao tác tại nhà, không cần đến tận trường để làm các thủ tục giấy tờ phức tạp như trước đây.

Học bạ điện tử có giá trị pháp lý như học bạ giấy, thông qua cổng tra cứu học bạ số trực tuyến, rất thuận tiện cho việc sử dụng, quản lý, tra cứu, xác thực học bạ trực tuyến cũng như cho phép xuất ra bản mềm của học bạ số, và in ra bản giấy theo mẫu học bạ quy định của Bộ Giáo dục và Ðào tạo,… Đặc biệt, với cấp THPT, học bạ điện tử giúp các trường đại học, cao đẳng tin tưởng, mạnh dạn hơn khi sử dụng phương án xét tuyển thông qua học bạ do tính minh bạch, chính xác hơn nhiều so với học bạ giấy truyền thống.

Tuy nhiên, bên cạnh những lợi ích mà học bạ điện tử mang lại thì ngành GD&ĐT huyện nhà vẫn còn gặp những bất cập trong quá trình triển khai như: hiện nay học bạ điện tử chưa có nền tảng, hệ thống phần mềm dùng chung thống nhất cho các nhà trường ở các cấp học; bước đầu mới thực hiện ở cấp tiểu học, nên vẫn phải in ra học bạ giấy khi học sinh chuyển trường, chuyển cấp,… Ngoài ra, điều kiện cơ sở vật chất ở 1 số trường còn chưa đáp ứng tốt yêu cầu của hệ thống học bạ điện tử; cán bộ, giáo viên vẫn còn lúng túng khi thao tác trên ứng dụng, chưa linh hoạt trong sử lý các tình huống sự cố,… Nhiều phụ huynh học sinh cũng chưa nhận thức đầy đủ, chưa có kỹ năng để thực hiện tra cứu, trích xuất thông tin từ ứng dụng học bạ số,… Thời gian tới, ngành GD&ĐT huyện nhà tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền, tổ chức tập huấn, hỗ trợ các nhà trường trong việc đưa học bạ điện tử thay thế dần hình thức học bạ giấy truyền thống, nhằm góp phần nâng cao hiệu quả công tác cải cách hành chính trong toàn ngành.

TTVH&TT huyện

Tin liên quan

LIÊN KẾT WEBSITE

Đánh giá của bạn về cổng thông tin điện tử






Gửi đánh giá Xem kết quả
50 người đang online