Sáng ngày 01/7/2024 khi Luật Căn cước có hiệu lực thi hành, cùng với Lực lượng công an toàn tỉnh, Công an Kim Động đã tổ chức Lễ phát động triển khai “Luật căn cước năm 2023” trên địa bàn huyện.
Dự và chỉ đạo Lễ phát động có đồng chí Nguyễn Chi Hội - Phó Bí thư thường trực Huyện ủy; đồng chí Vũ Thị Chanh - Ủy viên Ban Thường vụ Huyện ủy, Phó Chủ tịch thường trực UBND huyện; đồng chí Đại tá Nguyễn Anh Dũng - Ủy viên Ban Thường vụ Huyện ủy, Trưởng Công an huyện Kim Động. Cùng dự có các đồng chí Lãnh đạo, Chỉ huy các đội nghiệp vụ và cán bộ chiến sỹ Công an huyện.
Luật Căn cước được Quốc hội khóa XV thông qua tại Kỳ họp thứ 6, đến ngày 1/7/2024 bắt đầu có hiệu lực giúp hoàn thiện pháp luật, đáp ứng thực tiễn về quản lý dân cư, cải cách hành chính, bảo đảm quyền con người, quyền công dân, hướng tới Chính phủ số, nền kinh tế số, xã hội số và phục vụ tốt hơn cho người dân, doanh nghiệp. Luật Căn cước có 10 điểm mới, trong đó một số điểm mới quan trọng của Luật như: Việc đổi thẻ Căn cước công dân thành thẻ Căn cước; Mở rộng đối tượng được thu nhận hồ sơ, cấp thẻ Căn cước cho công dân từ 0 đến dưới 6 tuổi; từ 6 đến dưới 14 tuổi; từ 14 tuổi trở lên và cấp Giấy chứng nhận Căn cước cho người gốc Việt Nam chưa xác định được quốc tịch từ ngày 1/7/2024... Khi Luật Căn cước chính thức có hiệu lực, Bộ Công an sẽ triển khai việc cấp thẻ Căn cước theo quy định của Luật và các văn bản hướng dẫn thi hành.
Luật Căn cước quy định: Thẻ Căn cước công dân đã được cấp trước ngày Luật Căn cước có hiệu lực thi hành có giá trị sử dụng đến hết thời hạn được in trên thẻ. Công dân khi có nhu cầu thì được cấp đổi sang thẻ căn cước (Khoản 1 Điều 46). Như vậy, thẻ căn cước có giá trị tương đương như thẻ Căn cước công dân. Tuy nhiên, đối với các trường hợp công dân đang sử dụng thẻ Căn cước công dân vẫn còn thời hạn sử dụng thì vẫn tiếp tục được sử dụng đến khi hết thời hạn mới phải đổi sang thẻ căn cước, trừ trường hợp công dân có nhu cầu đổi từ thẻ Căn cước công dân sang thẻ căn cước.
Việc sử dụng Căn cước mới có nhiều lợi ích như:
- Tạo thuận lợi hơn cho công dân trong quá trình sử dụng thẻ căn cước, hạn chế việc phải cấp đổi thẻ và bảo đảm tính riêng tư của công dân; các thông tin căn cước của công dân cơ bản sẽ được lưu trữ, khai thác, sử dụng thông qua chíp điện tử trên thẻ căn cước công dân. Đối với những thẻ căn cước công dân đã cấp thì vẫn còn nguyên giá trị sử dụng, không bị tác động, thay đổi bởi quy định này.
- Bổ sung quy định về quản lý, cấp thẻ căn cước cho công dân Việt Nam dưới 14 tuổi và cấp giấy chứng nhận căn cước cho người gốc Việt Nam để bảo đảm quyền, lợi ích chính đáng của họ và phục vụ công tác quản lý nhà nước; phát huy giá trị, tiện ích của thẻ căn cước công dân trong hoạt động của Chính phủ số, xã hội số. Việc cấp thẻ cho công dân dưới 14 tuổi sẽ thực hiện theo nhu cầu, còn đối với công dân từ đủ 14 tuổi trở lên là bắt buộc.
- Bổ sung quy định về việc tích hợp một số thông tin có tính ổn định, được sử dụng thường xuyên của công dân ngoài thông tin trong Cơ sở dữ liệu căn cước vào thẻ căn cước; thẻ căn cước có giá trị sử dụng để cung cấp thông tin về công dân và tương đương việc xuất trình các giấy tờ do cơ quan có thẩm quyền cấp có thông tin đã được in hoặc tích hợp trong thẻ căn cước công dân để giúp giảm giấy tờ cho công dân, tạo thuận lợi cho công dân trong thực hiện giao dịch dân sự, thực hiện chuyển đổi số, cải cách thủ tục hành chính như: Thông tin về thẻ bảo hiểm y tế, sổ bảo hiểm xã hội, giấy phép lái xe, giấy khai sinh, giấy chứng nhận kết hôn.
Việc khai thác thông tin tích hợp vào thẻ căn cước được thực hiện bằng các phương thức sau: (1) Sử dụng thiết bị chuyên dụng để khai thác thông tin tích hợp trong bộ phận lưu trữ được mã hóa của thẻ căn cước; (2) Sử dụng thông tin trên thẻ căn cước để truy xuất, khai thác thông tin tích hợp qua thiết bị chuyên dụng được kết nối với Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư và hệ thống định danh và xác thực điện tử.
- Việc cấp lại thẻ căn cước được thực hiện trực tuyến trên cổng dịch vụ công quốc gia (công dân không phải đến cơ quan quản lý căn cước để thực hiện thủ tục); cơ quan quản lý căn cước sử dụng thông tin đã cấp thẻ căn cước lần gần nhất để cấp lại thẻ căn cước cho công dân.
- Luật Căn cước quy định mỗi công dân có 01 căn cước điện tử; Căn cước điện tử có giá trị chứng minh về căn cước và thông tin khác đã được tích hợp vào căn cước điện tử của người được cấp căn cước điện tử để thực hiện thủ tục hành chính, dịch vụ công, các giao dịch và hoạt động khác theo nhu cầu của công dân.
- Chứng minh nhân dân còn thời hạn sử dụng đã được cấp trước ngày Luật này có hiệu lực thi hành thì được sử dụng đến hết ngày 31/12/2024; các loại giấy tờ có giá trị pháp lý đã phát hành có sử dụng thông tin từ Chứng minh nhân dân vẫn nguyên hiệu lực pháp luật. Cơ quan quản lý nhà nước không được quy định các thủ tục về thay đổi, điều chỉnh thông tin liên quan đến Chứng minh nhân dân, thẻ căn cước trong các giấy tờ đã cấp.
- Thẻ Căn cước có tính bảo mật cao, được chế tạo bằng công nghệ tiên tiến, có khả năng bảo mật cao, bảo đảm chống lại việc làm giả thẻ. Trong chip điện tử trên thẻ Căn cước có công nghệ xác thực thông tin qua đối sánh vân tay hoặc khuôn mặt nhằm xác thực chính xác chủ thẻ. Theo đó, khi một người sử dụng thiết bị đọc thông tin lưu trữ trong chip điện tử phải được sự đồng ý của chủ thẻ thông qua phương thức xác thực vân tay, khuôn mặt để được quyền truy cập vào ứng dụng đọc, truy xuất dữ liệu, nếu không có thao tác này thì không ai có thể truy cập để lấy thông tin trong thẻ căn cước. Để khai thác được các thông tin trong chip điện tử trên thẻ Căn cước phải sử dụng thiết bị chuyên dụng và các thiết bị này phải được Bộ Công an cung cấp mã bảo mật để xác thực, bảo đảm an ninh, an toàn bảo mật thông tin. Trường hợp các cơ quan nhà nước khác cung cấp thiết bị chuyên dụng để đọc thông tin trong thẻ Căn cước thì các thiết bị này đều phải được cơ quan chuyên môn của Bộ Công an kiểm tra và cung cấp mã bảo mật.
Ngay trong buổi Lễ phát động triển khai “Luật căn cước năm 2023”, Công an huyện đã làm thủ tục cấp Thẻ căn cước đối với 5 trường hợp là công dân dưới 14 tuổi thông qua người đại diện là cha mẹ. Tại đây, phụ huynh được hướng dẫn đăng ký thủ tục trên cổng dịch vụ công Quốc gia qua ứng dụng VNeID, sau đó trẻ được thu nhận sinh trắc vân tay, chụp ảnh gương mặt và thu nhận mống mắt. Cả quá trình chỉ mất khoảng 10-15 phút.
Việc triển khai thực hiện Luật căn cước mới sẽ đáp ứng yêu cầu giải quyết thủ tục hành chính và cung cấp dịch vụ công trực tuyến, phục vụ mục đích phát triển kinh tế, xã hội, xây dựng công dân số, hoàn thiện hệ sinh thái phục vụ kết nối, khai thác, bổ sung làm giàu dữ liệu dân cư ở địa phương nói riêng và cả nước nói chung.