Di tích đình Mai Viên xã Song mai

Đình Mai Viên thuộc thôn Mai Viên, xã Song Mai - một xã có địa bàn rộng, đông dân cư và phát triển trên nhiều lĩnh vực kinh tế, xã hội của huyện Kim Động. Mai Viên – “Mai” làng đẹp như một vườn mai, “ Viên” làng có nhiều quan chức, viên chức.

Theo thần tích và sắc phong và truyền ngôn lại trong dân, đình thôn Mai Viên được khởi dựng khá sớm vào thời Hậu Lê với quy mô còn nhỏ bé. Đình tọa lạc trên một gò đống cao ráo thoáng mát,cảnh quan đẹp, thuận tiện cho việc sinh hoạt văn hóa tín ngưỡng của nhân dân. Mặt tiền quay về hướng Đông Nam, phía trước đình là cây đa giếng nước cổ kính có niên đại hàng trăm năm, sân đình được bao phủ bởi tán cây bàng, nhãn mát mẻ. nhìn toàn bộ bên ngoài cho ta cảm thấy dự uy nghi và tôn kính bởi vẻ đồ sộ và cổ kính của ngôi đình làng.

Di tích đình Mai Viên được xây dựng  theo kiến trúc kiểu chữ I  (chữ công) nhưng mất phần hậu cung và 2 nhà chè. Nay di tích còn lại một nhà tiền tế đồ sộ vừa được nhân dân sửa chữa, mái lợp ngòi mũi phẳng, đầu hồi 2 bên nóc đình được đắp hai đầu kìm đội lân. Trải dài phần nóc nghệ nhân đắp nổi đôi rồng chầu mặt nguyệt uốn thành 3 khúc khỏe mạnh và uy nghi. Kiến trúc đình Mai Viên cao ráo bề thế, kết cấu vì kèo nóc từ đầu đến phần mái theo kiểu chồng gường đấu xen, hệ thống con gường đỡ hoành chạm nổi hình lá lật cách điệu. Do những biến động của lịch sử và xã hội, kiến trúc đình  không còn đồng bộ và phải tu bổ nhiều lần vào thời Nguyễn, vì vậy nghệ thuật kiến trúc mang đậm nét thời Nguyễn.

Cũng như những ngôi đình ở các xã khác, đình Mai Viên vừa được coi là trụ sở để dân hội họp, bàn việc làng vừa là nơi thờ thần hoàng. Theo sắc phong và thần tích thì đình thờ 5 vị thành hoàng làng và 3 vị đức thánh tổ như: Trung Thành Đại Vương, Linh Lang Đại Vương, Cao Mang Đại Vương, Đổng Vĩnh Đại Vương và vị Đức thành tổ  có công với dân, dạy dân làng làm nghề nung vôi, đóng gạch, làm nghề thợ xây.

Trong giai đoạn kháng chiến chống Pháp, đình Mai Viên là cơ sở tụ họp của các đồng chí lão thành cách mạng. Năm 1942 phong trào cách mạng phát triển, các cán bộ cách mạng đã về gây cơ sở. Đình còn là nơi hậu đóng quân của bộ đội huyện cơ sở in ấn tài liệu kháng chiến, đào hầm bí mật ở hậu cung để bảo vệ bộ đội du kích. Trong những năm chống Mỹ, cơ sở còn khó khăn UBND xã Song Mai tạm mượn đình Mai Viên để họp hành tại đấy. Đến năm 1988 mới trả cho thôn.

Ngày nay, đình Mai Viên còn lưu giữ các hiện vật quý có giá trị lịch sử, văn hóa như: tại đình hiện có một ngai vàng thờ thời Nguyễn, 3 bát hương thời Nguyễn, 2 hòm săc, 1 giá chúc với 27 sắc phong qua các triều đại, ống hưởng, đài gỗ và một số đồ thờ khác có niên đại muộn, đỉnh đồng 2 chiếc, nến đồng 2 đôi, lục bình một đôi.

Năm 1998 đình làng Mai Viên được nhà nước công nhận là di tích lịch sử cấp quốc gia. Nhân dân địa phương không chỉ coi đây là trung tâm sinh hoạt văn hóa tín ngưỡng mà còn là nơi đê mọi người tổ chức ôn lại truyền thống cha ông, các thuần phong mỹ tục, nếp sống cộng đồng. thông qua đó là sự giao lưu văn hóa giữa các vùng, giữa các thành viên trong cùng một cộng đồng để tạo nên mối gắn kết nhân ái, tình làng nghĩa xóm. Ngôi đình là niềm tự hào của nhân dân trong thôn.