Thủ tướng phê duyệt phát triển Chính phủ điện tử hướng tới Chính phủ số

Chiến lược đặt ra mục tiêu cơ bản hoàn thành các chỉ tiêu phát triển Chính phủ điện tử vào năm 2021 và hình thành Chính phủ số vào năm 2025.

 Thủ tướng Chính phủ vừa ban hành Quyết định số 942/QĐ-TTg, phê duyệt Chiến lược phát triển Chính phủ điện tử hướng tới Chính phủ số giai đoạn 2021-2025, định hướng đến 2030.

Chính phủ số bản chất là Chính phủ điện tử, bổ sung những thay đổi về cách tiếp cận, cách triển khai mới nhờ vào sự phát triển của công nghệ số. Vì vậy, khi nói phát triển Chính phủ số chính là nói phát triển Chính phủ điện tử; Chính phủ số đã bao hàm Chính phủ điện tử. 

Chính phủ điện tử, hiểu một cách đơn giản, là "bốn Không", có khả năng họp không gặp mặt, xử lý văn bản không giấy, giải quyết thủ tục hành chính không tiếp xúc, và thanh toán không dùng tiền mặt.

Chính phủ số là Chính phủ điện tử, thêm "bốn Có", có toàn bộ hành động an toàn trên môi trường số, có khả năng cung cấp dịch vụ mới nhanh chóng, có khả năng sử dụng nguồn lực tối ưu và có khả năng kiến tạo phát triển, dẫn dắt chuyển đổi số quốc gia, giải quyết hiệu quả những vấn đề lớn trong phát triển và quản lý kinh tế - xã hội. 

Cụ thể, tầm nhìn đặt ra Việt Nam có chỉ số phát triển Chính phủ điện tử, Chính phủ số ở mức độ cao trên thế giới, thuộc nhóm 50 nước dẫn đầu vào năm 2025, thuộc nhóm 30 nước dẫn đầu vào năm 2030 theo xếp hạng của Liên Hợp Quốc. 

Bên cạnh đó, chiến lược cũng đặt ra mục tiêu cơ bản hoàn thành các chỉ tiêu phát triển Chính phủ điện tử vào năm 2021 và hình thành Chính phủ số vào năm 2025.

Nền tảng số được xác định là giải pháp đột phá để thúc đẩy phát triển Chính phủ số nhanh hơn, giảm chi phí, tăng hiệu quả. Nền tảng được tạo ra bởi những doanh nghiệp công nghệ số xuất sắc, cho phép các cơ quan, tổ chức, cá nhân sử dụng ngay dưới dạng dịch vụ thay vì phải tự đầu tư, tự vận hành. 

Chính phủ số cũng chuyển đổi cách thức tổ chức, vận hành, môi trường làm việc và công cụ làm việc để cán bộ, công chức, viên chức có thể thực hiện tốt nhất nhiệm vụ của mình.

Đối với mỗi giai đoạn, mục tiêu cụ thể được đặt ra với các chỉ tiêu cơ bản. Tới năm 2025, chiến lược đặt ra 5 mục tiêu gồm cung cấp dịch vụ chất lượng phục vụ xã hội; huy động rộng rãi sự tham gia của xã hội; vận hành tối ưu các hoạt động của cơ quan nhà nước; giải quyết hiệu quả các vấn đề lớn trong phát triển kinh tế - xã hội, và thay đổi đột phá xếp hạng quốc gia.

Về nhiệm vụ trọng tâm quốc gia, chiến lược nêu rõ 6 nhiệm vụ gồm: Hoàn thiện môi trường pháp lý, phát triển hạ tầng số; phát triển các nền tảng số và hệ thống quy mô quốc gia; phát triển dữ liệu số quốc gia; phát triển các ứng dụng, dịch vụ quốc gia; bảo đảm an toàn, an ninh mạng quốc gia. Sáu nhiệm vụ này cũng là nhiệm vụ trọng tâm của bộ, ngành, địa phương triển khai trong phạm vi ngành, lĩnh vực địa bàn quản lý.

Chiến lược nêu rõ 10 giải pháp để triển khai, trong đó có các giải pháp về: Tổ chức, bộ máy, mạng lưới; tập huấn, bồi dưỡng kỹ năng số; tuyên truyền, phổ biến, nâng cao nhận thức; hợp tác giữa cơ quan nhà nước và doanh nghiệp; nghiên cứu, phát triển, làm chủ các công nghệ lõi; chuẩn hóa, tái cấu trúc quy trình nghiệp vụ; hợp tác quốc tế...

 

Nguồn: Báo Dân trí

Tin liên quan

LIÊN KẾT WEBSITE

Đánh giá của bạn về cổng thông tin điện tử






Gửi đánh giá Xem kết quả
119 người đang online