14/10/2024 | lượt xem: 22 Trường THCS Lê Quý Đôn ứng dụng học bạ điện tử góp phần thúc đẩy CĐS trong trường học Năm học 2024 – 2025, trường THCS Lê Quý Đôn có hơn 560 học sinh thuộc 12 lớp. Những năm qua, trường luôn là lá cờ đầu trong ngành GD huyện nhà với nhiều thành tích đáng ghi nhận. Nhằm nâng cao chất lượng công tác giáo dục, nhà trường đã đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số vào mọi mặt hoạt động; trong đó có triển khai học bạ điện tử với 100% học sinh thuộc khối 6, khối 7; bước đầu đem lại kết quả khả quan. Học bạ điện tử là ứng dụng thay thế cho học bạ giấy truyền thống, dưới hình thức số hóa dữ liệu, thông tin, quá trình học tập của học sinh một cách toàn diện, và sử dụng hình thức ký số trực tuyến; rất thuận tiện, tiết kiệm, khoa học trong việc lưu trữ, quản lý; hạn chế tối đa việc thất lạc, hư hỏng; đảm bảo tính minh bạch, góp phần phòng chống các hành vi gian lận, can thiệp, chỉnh sửa,… hồ sơ, học bạ của học sinh,… Được biết, trường THCS Lê Quý Đôn hiện đang sử dụng ứng dụng học bạ điện tử của VNPT; đây là ứng dụng nằm trong hệ sinh thái giáo dục thông minh vnEdu 4.0. Nhà trường đã thành lập ban quản trị phần mềm học bạ điện tử; trong đó đồng chí hiệu trưởng là người chịu trách nhiệm quản lý mọi tài khoản sử dụng phần mềm học bạ điện tử; thường xuyên kiểm tra việc thực hiện các quy định về bảo mật tài khoản, các quy định về cập nhật điểm số và các thông tin khác của giáo viên, học sinh vào cơ sở dữ liệu của nhà trường. Các thầy cô giáo có vai trò quản trị viên; thực hiện nhiệm vụ nhập điểm các bài kiểm tra, bài thi; báo cáo tiến độ nhập điểm và quản lý chặt chẽ, nghiêm túc việc sửa chữa điểm đã nhập, cũng như các chế độ bảo mật thông tin trong sổ điểm điện tử theo đúng nguyên tắc, quy trình, tránh tuyệt đối tình trạng cho điểm “ảo” và can thiệp vào học bạ. Đối với những giáo viên bộ môn trực tiếp đứng lớp ở khối 6, khối 7 năm học này; khi cần nhập điểm, phê học bạ sẽ được quản trị viên cho phép nhập hệ thống trong thời gian nhất định; Sau thời gian đó, giáo viên chỉ có thể xem học bạ đơn thuần như mọi phụ huynh, học sinh khác và không thể chỉnh sửa thông tin. Cùng với đó, học bạ điện tử được tích hợp hình thức ký số từ xa, giúp giáo viên, nhà trường ký học bạ nhanh chóng, dễ dàng, mọi lúc, mọi nơi. Không chỉ ưu việt, đồng bộ, khoa học, minh bạch hơn so với hình thức học bạ giấy truyền thống trong quá trình sử dụng; mà Học bạ điện tử còn đem lại nhiều thuận tiện khi học sinh chuyển cấp hoặc chuyển trường, ban quản trị chỉ cần gửi link, toàn bộ học bạ của học sinh sẽ được chuyển và nhận trên môi trường số một cách nhanh gọn, an toàn, chính xác. Phụ huynh cũng có thể theo dõi cả quá trình học tập, phấn đấu của con em mình qua điểm số các bài thi và nhận xét của các giáo viên trên học bạ điện tử; nhờ đó chủ động nắm bắt tình hình học tập, rèn luyện của học sinh để phối hợp cùng giáo viên, nhà trường trong giáo dục con em. Ngoài ra, khi cần trích xuất thông tin học bạ, phụ huynh có thể tự thao tác tại nhà, không cần đến tận trường để làm các thủ tục giấy tờ phức tạp như trước đây. Triển khai ứng dụng học bạ điện tử giúp tiết kiệm được thời gian, công sức, chi phí cho cả giáo viên, nhà trường và phụ huynh; tạo sự liên kết chặt chẽ, minh bạch giữa nhà trường - gia đình và xã hội; bảo đảm tính tức thời và chính xác. Hệ thống học bạ điện tử của trường THCS Lê Quý Đôn giúp toàn bộ công tác quản lý được tự động hóa theo quy trình và trên một mô hình tập trung, tiến tới đồng bộ với cơ sở dữ liệu học sinh của phòng, ngành GD&ĐT để phục vụ việc quản lý học sinh và liên thông các cấp học. Nhờ đẩy mạnh triển khai các giải pháp ứng dụng CNTT, KHCN trong mọi hoạt động chuyên môn; nhất là thực hiện sổ điểm điện tử, học bạ điện tử, thu phí dịch vụ giáo dục theo hình thức không dùng tiền mặt,... Được biết, năm học 2023-2024 vừa qua, trường THCS Lê Quý Đôn được đánh giá đạt mức 3 (mức cao nhất) theo bộ chỉ số đánh giá mức độ CĐS trường học. TTVH & TT huyện
Gặp gỡ 2 tác giả của đề tài “Sản xuất gối ngủ từ cây sả chanh” đạt giải cuộc thi Nghiên cứu khoa học, kỹ thuật dành cho HS trung học